Những kinh nghiệm từ cơ sở

16:07, 13/10/2015

Nhân Hội nghị biểu dương cán bộ Hội cơ sở giỏi giai đoạn 2011-2015 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, Báo Thái Nguyên xin giới thiệu những kinh nghiệm chia sẻ về hoạt động công tác hội của một số tấm gương cán bộ Hội cơ sở.

Tạo điều kiện để chị em phát huy thế mạnh
 

Trung tá Nguyễn Thị Thu,
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh,

Công tác tại một đơn vị nghiệp vụ chiến đấu trong lực lượng an ninh nhân dân với số lượng nữ chỉ chiếm khoảng 20% nhưng không vì thế, chúng tôi xem nhẹ phong trào phụ nữ. Để giúp hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và tích cực tham gia các phong trào thi đua, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm, thông tin, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ. Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, thảo luận nhóm, tập huấn để giúp chị em nâng cao năng lực, bàn giải pháp nhắm thực hiện tốt công việc được giao. Từ đó, đã góp phần nâng cao vị thế của chị em trong mọi lĩnh vực công tác từ tham mưu, xây dựng lực lượng, quản lý hành chính hay bộ phận trực tiếp chiến đấu. Chị em phụ nữ đã phát huy được thế mạnh của mình ở nhiều lĩnh vực quan trọng như quản lý hồ sơ, quản lý hành chính, xây dựng lực lượng. Dù ở vị trí công tác nào, hội viên phụ nữ Công an tỉnh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình
 

Chị Ma Thị Tiếp,
Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đình (Định Hoá)

Là một xã miền núi với phần đông bà con là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng… đời sống kinh tế của chị em phụ nữ ở xã Phú Đình còn tương đối khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác Hội, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế. Chúng tôi thường xuyên tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong xã và các xã lân cận. Từ những lần đi tham quan, chị em đã được chủ các mô hình phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế, cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Từ đó, nhiều mô hình hiệu quả được các hội viên phụ nữ ứng dụng, nhân rộng đạt kết quả khả quan. Cũng chính nhờ việc đi tham quan, học tập mà nhiều chị em phụ nữ có thêm động lực cố gắng lao động, sản xuất để trở thành các mô hình mới, tiêu biểu để các hội viên đến học tập, tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi, giúp chị em hăng hái tham gia.

 

Quan trọng là sự nhiệt huyết

 

Chị Nguyễn Thị Phúc,
Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Giữa, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình)

23 năm hoạt động trong công tác Hội phụ nữ ở cơ sở, theo tôi điều quan trọng nhất là người cán bộ phải có nhiệt huyết với công việc. Những ngày đầu mới tham gia công tác Hội, tôi gặp nhiều khó khăn vì nhận thức về việc tham gia Hội của chị em và cộng đồng còn thấp, số người tham gia sinh hoạt Hội rất ít. Tôi đã tích cực vận động chị em tham gia bằng nhiều hình thức: thông tin qua hệ thống loa truyền thanh, đến tận nhà vận động chị em và người thân trong gia đình, phân tích cho họ lợi ích của việc sinh hoạt Hội... Mỗi khi chi hội phụ nữ xóm tổ chức bất kỳ một hoạt động nào, tôi đều mời các chị em chưa phải hội viên cùng tham gia để họ thấy rõ những lợi ích khi tham gia Hội Phụ nữ. Cùng với đó, tôi thành lập một đội ngũ những hội viên nòng cốt để họ cùng tham gia tuyên truyền, những chính sách, chủ trương mới cho các chị em khác trong tổ dân phố. Nhờ đó, phong trào phụ nữ ở địa phương đã từng bước được phát triển. Đến nay, chi hội có 80 hội viên, đạt tỷ lệ trên 80% gia đình có phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội.

 

Cán bộ Hội phải hiểu rõ trách nhiệm của mình
 

Chị Hoàng Thị Hai,
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Trung Thần, xã Hoá Trung (Đồng Hỷ)

Khi tham gia hoạt động Hội Phụ nữ, tôi luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Từ đó, tôi vạch ra những mục tiêu cần thực hiện và phương pháp thực hiện. Với việc lên kế hoạch chi tiết, cụ thể, trong các hoạt động của chi hội phụ nữ xóm, tôi luôn nhận được sự ủng hộ của đa số chị em. Cụ thể như khi tuyên truyền chị em tham gia cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tôi đã lần lượt đặt ra các chỉ tiêu ngắn hạn và dài hạn rồi căn cứ vào đó để tuyên truyền vận động từng nhóm chị em tham gia. Từ những kết quả bước đầu của cuộc vận động, ngày càng có nhiều chị em trong xóm tham gia thực hiện các tiêu chí về 5 không, 3 sạch. Với tư cách là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tôi đã gương mẫu tham gia Câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” và cố gắng duy trì các tiêu chí của cuộc vận động để chị em noi theo. Đồng thời, tôi thường xuyên lắng nghe những góp ý của chị em để giải đáp các thắc mắc và điều chỉnh cách làm phù hợp với nguyện vọng của số đông hội viên. Với cách làm đó, phong trào phụ nữ của xóm đã ngày càng phát triển, tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 90%, hàng năm Chi hội luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.

 

Tích cực chia sẻ, động viên hội viên
 

Chị Phạm Cẩm Nhung,
Trưởng ban Nữ công, Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp

Ban Nữ công hiện có 370 hội viên, chiếm 35% trong tổng số đoàn viên công đoàn của Công ty. Với đa số hội viên là công nhân sản xuất trực tiếp, đời sống còn nhiều khó khăn, chúng tôi luôn coi trọng việc chia sẻ, động viên chị em trong đời sống. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, Ban Nữ công đều phối hợp với Công đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà những hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức toạ đàm về quyền lợi của lao động nữ và vai trò của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá… Ở 6 đơn vị trực thuộc, tôi đều vận động các chị em trong Ban Nữ công thường xuyên quan tâm, trò chuyện, nắm bắt hoàn cảnh của các hội viên để kịp thời động viên, chia sẻ và giúp đỡ họ. Ngoài ra, Công ty còn vận động chị em phụ nữ lập Quỹ Tiết kiệm để cho hội viên nghèo vay vốn không lấy lãi phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn Công ty có 17 chị em đang vay trên 160 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm của Ban Nữ công và nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách theo chương trình vay vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhờ được chia sẻ, giúp đỡ kịp thời, nhiều chị em đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thêm gắn bó với Công ty.