Nông thôn khởi sắc ở xóm Tre

14:45, 10/10/2015

Xóm Tre, xã Tân Khánh (Phú Bình) hiện có 76 hộ với 340 nhân khẩu, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, những năm qua, nhân dân trong xóm  luôn tích cực tham gia thực hiện những nội dung của cuộc vận động. Từ năm 2012 đến nay, địa phương này đã liên tục đạt và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa cấp huyện”.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng xóm Tre cho biết: Một trong những tiêu chí được xóm ưu tiên nhất trong việc hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với đặc thù là một xóm thuần nông, những năm trước đây đời sống của bà con chủ yếu chỉ phụ thuộc vào cây lúa nhưng do chưa biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa lúc đó chỉ đạt gần 1 tạ/sào, vào lúc giáp hạt một số hộ còn rơi vào cảnh thiếu ăn. Khoảng 5 năm trở lại đây, bà con được tham gia nhiều chương trình tập huấn về sản xuất nông nghiệp, nhiều giống lúa mới được bà con đưa vào gieo trồng, ngoài ra xóm còn chú trọng việc xây dựng các vùng lúa lai, lúa chất lượng cao khiến cho năng suất của loại cây trồng này tăng lên đáng kể. Hiện tại, trung bình mỗi sào lúa bà con được thu hoạch từ 2-2,5 tạ/sào.

 

Để phát triển kinh tế gia đình, những năm gần đây nhiều hộ dân ở xóm Tre đã xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn gà với quy mô lớn, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nếu như trước đây, xóm không có trang trại chăn nuôi nào thì hiện nay cả xóm đã có 5 trang trại, hơn 30 hộ chăn nuôi gà với số lượng từ 300-500 con mỗi lứa. Cái đói giờ không còn trở thành nỗi ám ảnh của bà con như trước, thu nhập bình quân của xóm đạt gần 25 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 15 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18 hộ (năm 2010) xuống còn 4 hộ, tỉ lệ hộ khá, giàu trong xóm chiếm gần 2/3 tổng số hộ, 100% các gia đình có phương tiện đi lại, nghe nhìn…

 

Kinh tế phát triển đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào văn hóa, xã hội lan tỏa mạnh ở xóm Tre. Hiện tại xóm đang khởi công xây dựng nhà văn hóa mới có tổng kinh phí dự kiến khoảng trên 300 triệu đồng, trong đó người dân và con em xa quê đóng góp được hơn 280 triệu đồng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ là nơi phục vụ các hoạt động sinh hoạt, hội họp, thông tin tuyên truyền, hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân. Xóm Tre cũng được biết đến với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi bởi đội văn nghệ của xóm rất chăm chỉ luyện tập và thường xuyên giao lưu biểu diễn để phục vụ bà con trong những ngày lễ, Tết. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội của xóm còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương thực hiện nghiêm túc hương ước, quy ước của xóm, chấp hành tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Do vậy, hầu hết các đám cưới, đám tang trong xóm đều được tổ chức đơn giản, văn minh, tiết kiệm, không rườm rà, phô trương, lãng phí, không có tình trạng mê tín dị đoan.

 

Phong trào khuyến học, khuyến tài ở xóm cũng được thực hiện tốt và duy trì thường xuyên. Nhiều năm liền xóm Tre đều có học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường. Tình hình an ninh chính trị ở địa phương những năm qua luôn được giữ vững, tình trạng trộm cắp vặt đã được đẩy lùi, những mâu thuẫn đều được giải quyết nội bộ không phải đưa lên xã. Gần chục năm nay, xóm không có người sinh con thứ 3, hàng năm số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa của xóm luôn chiếm trên 80%. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Người dân xóm tre đã tích cực tham gia hiến đất, góp công, góp của để làm đường giao thông. Đến nay trên 80% tuyến đường giao thông xóm đã được mở rộng, cứng hóa nhờ sự đối ứng, tham gia hiến đất của hơn 70 hộ dân với tổng diện tích gần 5.000m2. Nói về sự đổi thay của địa phương mình, bà Lê Thị Gái, một người dân trong xóm phấn khởi cho biết: Xóm Tre bây giờ ngày càng thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã được nâng lên rõ rệt, không còn cảnh người dân phải lo thiếu cái ăn cái mặc, xe ô tô giờ đã có thể vào tận cuối xóm thu mua nông sản, bà con không cần phải vất vả vận chuyển trên con đường đất nhỏ hẹp như trước.

 

Rời xóm Tre khi trời đã về chiều, đi trên con đường bê tông uốn lượn ôm lấy những cánh đồng lúa nặng trĩu bông đang tỏa hương thơm dịu nhẹ, chúng tôi nhận ra Cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thật sự có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ vững an ninh nông thôn…qua đó, giúp người dân yên tâm, sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới.