Ô nhiễm môi trường nông thôn - áp lực và giải pháp khắc phục

14:28, 08/10/2015

Việt Nam hiện có khoảng 67% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, bình quân mỗi năm phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 1.300 triệu m3 nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật; có tới trên 80% khối lượng rác thải, nước thải, rác thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh và xả trực tiếp ra môi trường.

Do đó, môi trường nông thôn đang chịu những áp lực ngay chính từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt, đồng thời còn chịu sự tác động từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị lân cận, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm.

 

* Những áp lực làm gia tăng ô nhiễm

 

Những áp lực đối với môi trường nông thôn trước hết xuất phát từ hoạt động dân sinh và sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chế biến nông sản thực phẩm, phát triển làng nghề và công nghiệp. Mặt khác, môi trường nông thôn ngày càng chịu sự tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai. Do đó, những áp lực lên môi trường ở khu vực này đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ ảnh hưởng.

 

Ngoài ra, các hoạt động sản xuất ở nông thôn phần lớn là quy mô hộ gia đình, gần khu dân cư, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng môi trường. Cùng với vấn đề quy hoạch và quản lý chưa hợp lý, chưa có hoặc vận hành không hiệu quả, không đúng quy chuẩn những công trình xử lý nước thải, chất thải rắn, cũng là những áp lực không nhỏ đối với môi trường nông thôn.

 

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ: Do kinh tế nông thôn đã và đang phát triển mạnh theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, đã tạo áp lực đối với môi trường. Trước hết là gia tăng nhu cầu sử dụng nước sạch cùng với gia tăng lượng chất thải, trong đó nước thải sinh hoạt chiếm 80% lượng nước sử dụng. Đặc trưng ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt là ô nhiễm hữu cơ, gồm có hàm lượng N và P rất lớn, vùng tập trung lượng nước thải nhiều nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

 

Do nguồn nước mặt bị ô nhiễm và nhiễm mặn nên người dân chuyển sang khai thác nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Chỉ tính riêng tỉnh Sóc Trăng đã khai thác tới 80.000 giếng khoan, trong đó giếng khoan do người dân tự khai thác chiếm gần 59.000 giếng. Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, như hạ thấp mực nước ngầm, gây sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nước ngầm, làm gia tăng khả năng thẩm thấu, xâm nhập nước mặn từ ngoài vào. Nhiều giếng nước không còn sử dụng hoặc khai thác không hiệu quả nhưng không có biện pháp xử lý đúng quy định, làm gia tăng thêm nguy cơ đưa nguồn ô nhiễm vào nước ngầm.

 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh 84,5 triệu tấn chất thải tàn dư mỗi năm do 7 loại cây trồng chính gồm lúa, ngô, khoai lang, lạc, đậu tương, sắn, mía, nguồn chất thải rắn phát sinh từ sản xuất nông nghiệp cũng rất lớn và đáng báo động đối với môi trường. Chỉ tính riêng thuốc bảo vệ thực vật, hiện mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 130.000 tấn. Dư lượng phân hóa học mà cây trồng không hấp thụ hết chiếm trung bình từ 40-50% làm ô nhiễm nguồn nước, gây phú dưỡng hóa tác hại đến thủy sinh, nguồn lợi thủy sản và làm thoái hóa đất nghiêm trọng.

 

Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường Nguyễn Thượng Hiền nhận xét: Một áp lực nữa cũng đang tác động xấu đến môi trường nông thôn là hoạt động của các làng nghề. Tuy có bước phát triển, nhưng các làng nghề cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, cộng thêm ý thức của người dân làng nghề trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe còn rất hạn chế. Trung bình mỗi ngày hoạt động sản xuất trong các làng nghề thải ra từ 300-500 tấn bã, hơn 15.000 m3 nước thải, hàng trăm tấn chất thải rắn chứa các chất tẩy rửa hóa học, tác động trực tiếp đến môi trường nước, không khí, đất trong khu vực với mức độ khác nhau.

 

Cụ thể như tại các làng nghề ở tỉnh Bắc Giang, hàng ngày thải ra 50-80m3 nước thải, 4.000-6.000kg chất thải rắn phát sinh và thải ra mương, rãnh, ao làng. Trong nước thải khu vực lò mổ ở đây có nhiều váng mỡ, hàm lượng hữu cơ (BOD5, COD) cao. Đặc biệt, do sử dụng lượng muối lớn để ướp da nên tổng chất thải rắn hòa tan trong nước thải rất lớn, hàng ngày có khoảng 2.000-4.000kg xương ngâm tại các ao, 2.500-5.000kg da được ướp muối ngay tại các lò mổ trong khu dân cư.

 

Đặc biệt, khu vực nông thôn là nơi dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai. Trong đó, một trong những ảnh hưởng của xu thế suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu là việc suy giảm nguồn nước. Nhiệt độ không khí có xu thế ngày càng gia tăng do sự nóng lên toàn cầu kéo theo lượng hơi nước bốc lên tăng cao, nhu cầu tưới cũng tăng, lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm tương ứng khi lượng mưa không đổi và thậm chí giảm. Còn hiện tượng El-Nino mỗi khi xuất hiện cũng gắn liền với việc gây hạn hán rất nặng nề ở nước ta.

 

Nhưng hệ quả nặng nề và sâu rộng nhất của biến đổi khí hậu là hiện tượng nước biển dâng, làm tác động xâm thực bờ biển tăng lên do gia tăng cường độ của sóng biển; đồng thời làm gia tăng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt và suy thoái môi trường đất. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiễm mặn trên sông Hậu đã xâm nhập sâu quá Đại Ngải 8-10km; trên sông Cổ Chiên nhiễm mặn 1g/l cũng vượt quá rạch Vũng Liêm. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, tác động tiêu cực đến môi trường.

 

* Tăng cường quản lý và xử lý ô nhiễm

 

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng, trước hết phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn; rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi. Đi đôi với kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý môi trường nông thôn theo hướng tập trung toàn diện, một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay là huy động sự tham gia và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và năm 2014 đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nhằm huy động cộng đồng tham gia thực hiện công tác này. Cụ thể như thành lập tổ chức tự quản, xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã dành 1 chương quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

 

Để triển khai thực hiện, ở cấp Trung ương Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký 8 Nghị định liên tịch với các tổ chức đoàn thể, về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường. Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong 2 giai đoạn 2001-2006 và 2006-2011 cũng đưa việc huy động sự tham gia của cộng đồng, là một trong những giải pháp trong quá trình thực hiện.

 

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến năm 2014 cả nước có 274 hợp tác xã triển khai công tác môi trường. Đa số các hợp tác xã này hoạt động ở địa bàn nông thôn và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch. Một số tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã môi trường triển khai việc huy động sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động thu gom rác thải, tạo cảnh quan xanh cho nông thôn và đạt hiệu quả cao như các tỉnh Hà Tĩnh và Vĩnh Phúc. Đây là những mô hình tốt cần tiếp tục nhân rộng để phát huy thế mạnh quản lý dựa vào cộng đồng dân cư ở cấp địa phương.

 

Vấn đề tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường nông thôn cần được tăng cường. Bởi theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho Bộ mỗi năm được cấp từ 14-42 tỷ đồng và chia đều cho hoạt động môi trường của 7 lĩnh vực, gồm trồng trọt-bảo vệ thực vật; chăn nuôi-thú y; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi; thủy sản và phát triển nông thôn. Kinh phí này đã rất khiêm tốn nhưng đang giảm dần trong những năm gần đây. Vì vậy, việc huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, cho việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường... cần được ưu tiên nguồn lực, để giải quyết từng bước những vấn đề bức xúc hiện tại như xử lý chất thải rắn, nước thải... Mặt khác, cần lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng, để phổ biến áp dụng; ưu tiên các giải pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, tăng cường tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp; định hướng và khuyến khích sản xuất sạch, sản xuất sạch hơn.

 

Những giải pháp ưu tiên cho vấn đề nội cộm nhất ở nông thôn đầu tiên là sản xuất nông, lâm, thủy sản phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, bằng cách tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Các dịch vụ khác để hướng dẫn, quản lý, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất, nhằm giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm từ các hoạt động này.

 

Ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất thải rắn, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, cần có những giải pháp theo vùng, miền khác nhau. Đặc biệt là nhóm giải pháp cho hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn vùng đồng bằng. Vì đây là nơi tập trung dân cư nông thôn lớn nhất. Theo đó, thực hiện các tiêu chí môi trường như xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung, quy hoạch bãi chôn lấp rác, khu xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang...; đẩy mạnh việc triển khai các chính sách, chương trình ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, tổ chức hoạt động dịch vụ trong việc đầu tư các trang thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất.

 

Riêng vùng duyên hải ven biển, giải pháp trọng tâm là quy hoạch theo hướng phát huy lợi thế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; chú trọng khai thác các nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch.Mặt khác, cần có kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái biển; hướng dẫn người dân chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt và xâm nhập mặn./.