Tăng cường kiểm tra việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm

08:25, 08/10/2015

Những ngày qua, thông tin về vụ việc quán Hải Béo (khu vực cạnh Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh) bị các cơ quan chức năng bắt quả tang quay lợn bị bệnh dịch để bán khiến không ít người tiêu dùng hoang mang. Thực tế tình hình vi phạm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại…

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Trần Thị Hải, Phó Trưởng phòng Y tế T.P Thái Nguyên cho biết: Trong những năm gần đây, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân. Công tác quản lý đã có những kết quả đáng ghi nhận. Việc tuyên truyền đã được tăng cường và đẩy mạnh, từng bước thay đổi nhận thức hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng người nhập cư từ các tỉnh, cũng như lượng học sinh, sinh viên đông, các dịch vụ ăn theo đặc biệt là dịch vụ ăn uống khá phát triển. Hiện riêng địa bàn T.P Thái Nguyên có 2.458 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống. 9 tháng năm 2015, kết quả thanh, kiểm tra tại 3.426 cơ sở, phát hiện 283 cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là: Không lưu mẫu thức ăn theo quy định; không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói… Nhiều cơ sở không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cũng như tham gia các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP cho đối tượng phải khám sức khỏe và tập huấn kiến thức theo quy định. Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh chạy theo lợi nhuận bất chấp sự nguy hại trong việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, vi phạm về nhãn mác hàng hóa, hàng quá hạn sử dụng…

 

Trở lại vụ việc vi phạm của quán Hải béo do ông Phạm Thanh Hải làm chủ quán tại tổ 19, phường Phan Đình Phùng. Tại thời điểm kiểm tra, ông Phạm Thanh Hải, không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, giấy chứng nhận tiêm phòng gia súc, gia cầm, giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy 1 con lợn đã thịt có biểu hiện của bệnh dịch tả ghép tụ huyết trùng lợn dưới sự giám sát của chính quyền địa phương; nuôi nhốt cách li 1 con lợn sống còn lại dưới sự giám sát của Tổ trưởng mạng lưới thú y phường Phan Đình Phùng. Yêu cầu vệ sinh thu gom chất thải, vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và chuyển hồ sơ, tang vật xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Gần 1 tuần sau vụ việc trên, ngày 5-10 cùng đoàn kiểm tra của phường Phan Đình Phùng quay trở lại quán bia Hải Béo, chúng tôi nhận thấy việc kinh doanh của quán vẫn diễn ra bình thường. Quán đang nhốt 1 con lợn chuẩn bị thịt để quay bán cho khách. Sau khi có ý kiến của đoàn kiểm tra về việc không được nhốt động vật cũng như thịt lợn tại quán, chủ cơ sở đã cho xe chở lợn đi nơi khác. Qua kiểm tra của đoàn, chủ cơ sở vẫn chưa xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, giấy chứng nhận tiêm phòng gia súc, gia cầm và giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP.

 

Trao đổi với chúng tôi về việc vì sao cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP vẫn kinh doanh bình thường, đồng chí Trần Đình Thìn, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng, Trưởng ban ATVSTP của phường cho biết: Đầu năm nay, qua kiểm tra cơ sở cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP, chúng tôi đã yêu cầu cơ sở khắc phục. Còn vì sao không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP mà vẫn kinh doanh thì thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh thuộc thành phố, phường chỉ có thể kiểm tra, nhắc nhở nếu vi phạm thì xử phạt hành chính.

 

Đối với vụ việc lần này, nhận được tố giác của quần chúng nhân dân, phường thành lập đoàn kiểm tra mời Chi cục thú y tỉnh, Trạm Thú y thành phố, Phòng cảnh sát môi trường tham gia đoàn kiểm tra. Tôi khẳng định ở vụ việc này không có cơ sở để nói rằng bị ai đó cài bẫy như chủ quán giải trình.

 

Để công tác đảm bảo ATVSTP đạt kết quả bền vững, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, các ngành chức năng. Ngoài việc tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức đạo đức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP. Đối với người tiêu dùng cần thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng để cập nhật những thông tin về thị trường, lựa chọn mua hàng ở những địa điểm đáng tin cậy và xem kỹ bao bì để đề phòng mua nhầm hàng nhái, không mua những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho bản thân và gia đình.

 

Năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm (2 vụ ngộ độc do ăn nấm độc, 4 vụ ngộ độc do vi sinh vật), 62 người ngộ độc phải nhập viện, 7 trường hợp tử vong, tăng so với năm 2013 là 2 vụ. Riêng trong tháng hành động vì “Chất lượng vệ sinh ATTP” năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và gia đình, đã có 27 người phải đi viện, nguyên nhân là do vi sinh vật ở trong thức ăn. 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, 50 người bị ngộ độc, trong đó có trên 40 người phải nhập viện điều trị.