"90% người nhiễm HIV được biết tình trạng HIV của họ, 90% người nhiễm HIV đã biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người nhiễm HIV điều trị ARV đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế" là chiến lược mà Việt Nam đang thực hiện tiếp cận theo sáng kiến của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc nhằm hướng tới việc kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Để đạt được một trong các mục tiêu của chiến lược này và hướng đến mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030 thì một trong những can thiệp quan trọng đó là hướng tới điều trị bằng thuốc kháng HIV sớm cho người nhiễm HIV/AIDS. Bộ Y tế cũng đã kịp thời ban hành Hướng dẫn quản lý, điều trị chăm sóc HIV/AIDS theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hướng dẫn này có nhiều thay đổi so với các hướng dẫn trước đây nhằm tăng cường cho người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV tiếp cận sớm với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Một trong những thay đổi là nâng ngưỡng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho người nhiễm HIV từ 350 CD4/mm3 máu lên 500 tế bào CD4/mm3 máu. Đặc biệt, điều trị ARV ngay không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 cho người nhiễm HIV ở các giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 đối với người nhiễm HIV mắc lao, người nhiễm HIV có biểu hiện của viêm gan vi rút B mạn tính nặng, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú nhiễm HIV, người nhiễm HIV có vợ/chồng không bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc các quần thể nguy cơ (như: người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới), người nhiễm HIV ≥ 50 tuổi, người nhiễm HIV sinh sống, làm việc tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và tất cả trẻ em dưới 5 tuổi.
Việc điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng thay đổi. Theo đó, tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV và mẹ nhiễm HIV cho con bú sẽ được điều trị ngay bằng thuốc ARV không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4, không phụ thuộc các giai đoạn của thai kỳ; điều trị ARV trong suốt thời kỳ mang thai, trong khi chuyển dạ, sau khi sinh con và tiếp tục điều trị suốt đời.
Ngoài việc thay đổi về tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV, hướng dẫn mới cũng thay đổi phác đồ bậc 1 trên cơ sở ưu tiên sử dụng ba loại thuốc có hiệu quả cao, ít tác dụng phụ, giúp việc tuân thủ và điều trị có hiệu quả hơn. Hướng dẫn mới cũng đã thay đổi các phác đồ điều trị bậc 2 và hướng dẫn việc điều trị bằng phác đồ bậc 3 khi phác đồ bậc 1 và bậc 2 thất bại.
Việc thay đổi Hướng dẫn điều trị HIV mới đã giúp những người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận sớm dịch vụ điều trị, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống mạnh khỏe và có ích cho xã hội. Tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS phụ thuộc chủ yếu vào sự “cân bằng” giữa sức đề kháng (đo bằng số lượng tế bào CD4) và nồng độ HIV trong máu. Mọi can thiệp nhằm tăng sức đề kháng hoặc giảm nồng độ HIV trong máu hoặc cả hai đều có tác động giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh lâu dài. Hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra rằng: Người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt sẽ có tuổi thọ không thua kém người bình thường. Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc bình thường, tự tin sống hòa nhập với cộng đồng. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS, giảm mắc các nhiễm trùng cơ hội và tử vong ở người nhiễm HIV; đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh lao. Điều trị ARV không chỉ làm giảm đáng kể số tử vong do AIDS hằng năm, mà còn giảm đến khoảng 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.
Tại nước ta, hoạt động điều trị ARV đã được mở rộng từ năm 2005, nhờ đó, số người nhiễm HIV được cứu sống tăng dần. Năm 2005, trên toàn quốc có khoảng 8.000 tử vong do AIDS thì đến năm 2014 chỉ còn hơn 2.000 người tử vong do AIDS được báo cáo. Theo ước tính của các chuyên gia, nhờ điều trị ARV mà Việt Nam đã giúp ngăn ngừa cho gần 150.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015.