Thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

14:45, 01/10/2015

Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10) năm nay, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Lê Duy Vỵ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học (KH) Việt Nam, Chủ tịch Hội KH tỉnh về phong trào KH, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

P.V: Thưa ông, được biết năm 2015, Hội KH tỉnh tiếp tục phát triển vững chắc. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Đến nay, tỉnh ta đã có 4.308 chi hội và ban KH (tăng 932 chi hội và ban KH so với đầu nhiệm kỳ - năm 2008); số lượng hội viên có gần 292 nghìn người (bằng 24,33% số dân; bình quân trên toàn quốc là 12%). Sự phát triển của tổ chức hội cơ sở và hội viên tạo thêm nguồn nội lực làm nòng cốt thúc đẩy phong trào KH, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh có những bước tiến mới.

 

Về đội ngũ cán bộ Hội, hiện nay, tỷ lệ người nghỉ hưu có sự nhiệt tình và năng lực làm chủ tịch chuyên trách hội cơ sở đã đạt trên 75% (năm 2008, tỷ lệ đó mới có 23%). Tổ chức Hội có nhiều cán bộ viên chức, giáo viên đã nghỉ hưu có uy tín, tâm huyết, nhiệt tình để gánh vác công việc KH, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần làm cho hoạt động Hội được đẩy mạnh rõ rệt.

 

Nhận thức được vai trò quan trọng của cán bộ Hội, các cấp Hội đều chú ý công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ lãnh đạo Hội. Hội KH tỉnh tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh hoàn thành lớp bồi dưỡng (khoá 7) cho 60 cán bộ hội các xã, phường, thị trấn trong thời gian 10 ngày đạt chất lượng cao. Ở địa phương nào trong tỉnh cũng nổi lên những hội cơ sở hoạt động có hiệu quả, trở thành những điển hình xuất sắc, như Hội KH các xã: Đức Lương (Đại Từ), Bảo Cường (Định Hóa), Khe Mo (Đồng Hỷ), Sơn Cẩm (Phú Lương), Tràng Xá (Võ Nhai), thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên), phường Bách Quang (T.P Sông Công), phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên)...

 

P.V: Về việc xây dựng và sử dụng quỹ KH trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Nhờ đa dạng hóa các hình thức vận động tham gia, ủng hộ, đến nay, số lũy kế quỹ KH trong toàn tỉnh đã đạt trên 16 tỷ đồng và đạt bình quân hơn 13.000 đồng/người dân (mức bình quân toàn quốc hiện nay là 10.000 đồng/người).

 

Cùng với việc tích cực tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của các lực lượng xã hội trong và ngoài tỉnh, Hội KH các cấp đã động viên xây dựng quỹ KH của gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị. UBND một số địa phương đã đề ra chủ trương xây dựng quỹ KH, vận động đội ngũ cán bộ, viên chức, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà trường cùng các nhà hảo tâm tham gia đóng góp nên số lũy kế quỹ KH địa phương hiện nay tăng hơn khá nhiều so với những năm trước, điển hình như T.X Phố Yên, các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, T.P Sông Công...

 

Tính từ năm 2008-2015, tổng các nguồn quỹ KH trên địa bàn tỉnh đã chi thưởng cho học sinh, giáo viên giỏi và hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học hơn 70 tỷ đồng (năm 2008, chi 3,36 tỷ đồng, đến năm 2015, tăng lên 11,2 tỷ đồng). Có thể khẳng định quỹ KH ngày càng phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển của phong trào KH, khuyến tài trong toàn tỉnh.

 

P.V: Đã qua 3 năm Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Tiếp sức em tới trường” được tổ chức nhằm giúp đỡ, động viên các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả Chương trình này?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Cùng với đẩy mạnh việc động viên, khen thưởng học sinh giỏi ở tất cả các cấp Hội, được sự đồng ý và hoan nghênh của UBND tỉnh, Hội KH tỉnh tiếp tục triển khai chương trình giúp đỡ học sinh nghèo trong toàn tỉnh để các em không vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học. Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Tiếp sức em tới trường” qua 3 năm tổ chức (2013-2015) đã trao tặng học bổng cho gần 36 nghìn học sinh nghèo với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng.

 

Từ năm 2014, Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Tiếp sức em tới trường” được kết nối với Chương trình “Vì em hiếu học” của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel - Chi nhánh Thái Nguyên, trở thành chương trình chung với chủ đề “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường - vì em hiếu học”. Từ đó đã hỗ trợ được thêm nhiều học sinh nghèo, trong đó có 820 học sinh hiếu học gia đình thuộc hộ nghèo ở 82 xã vùng đặc biệt khói khăn (vùng 135) của tỉnh.

 

Việc tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường - Vì em hiếu học” đã có sự lan tỏa rộng khắp và trở thành một dấu ấn nổi bật trong công tác KH 3 năm qua.

 

P.V: Từ năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1139/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020. Kết quả thực hiện bước đầu trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?

 

Ông Lê Duy Vỵ: Trong năm 2014 và 2015, Hội KH tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thí điểm Quyết định số 281/QĐ-TTg ở tất cả 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Mỗi huyện, thành, thị chọn 1 xã/phường, mỗi xã/phường chọn 2 thôn bản/tổ dân phố, mỗi thôn bản/tổ dân phố lại chọn 10 gia đình (bao gồm đủ các loại hình) để thực hiện thí điểm. Đến nay, Hội KH tỉnh đã tổng kết công tác thí điểm và nhận thấy các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đều tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào. Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội đã rút ra nhiều kinh nghiệm cụ thể trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức bình xét, công nhận các danh hiệu... để triển khai đại trà trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến 2020.

 

P.V: Xin cảm ơn ông!