Trong 3 năm (2012-2014), cán bộ, nhân dân xã Lương Phú (Phú Bình) đã hiến hơn 8.000m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động với tổng trị giá 5 tỷ 247 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, trong đó có nhà văn hoá xóm, xã.
Hằng năm, xã có 90% số hộ đạt tiêu chí gia đình văn hoá, 75% số xóm đạt xóm văn hoá. Đến nay, xã Lương Phú cơ bản đạt 19 tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen.
Về Lương Phú, đi trên những trục đường bê tông, gặp bà con rủ nhau đi chợ huyện sắm sửa, trẻ nhỏ náo nức khoe áo đẹp của ngày đầu năm học mới… tôi chợt nhận ra ở Lương Phú, vùng quê thuộc hạ lưu của dòng sông Đào trong những năm gần đây đang “phổng phao”, vươn vai thức dậy bằng chính sự đồng thuận, phát huy nội lực trong nhân dân để làm nên diện mạo NTM hôm nay, với một hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống mọi mặt của người dân được nâng cao, tình làng, nghĩa xóm đầm ấm.
Xã Lương Phú có 12 xóm, với 1.067 hộ, 4.380 nhân khẩu. Để thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng NTM, trong những năm vừa qua, Lương Phú đã tổ chức thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và chung sức xây dựng NTM. Hiệu quả từ các phong trào, cuộc vận động đã từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân. Tạo được sự đồng thuận và khơi dậy ở mỗi người ý thức, trách nhiệm trong các hoạt động phong trào, như việc tham gia góp công, góp của, hiến đất xây dựng NTM.
Năm 2012, khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, xã có 7 tiêu chí đạt chuẩn NTM, đến tháng 12-2014, xã có thêm 12 tiêu chí đạt chuẩn, được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận là đơn vị cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ông Trần Đăng Hùng, nguyên Chủ tịch UBND xã, một cán bộ năng động, có nhiều “quyết sách” quan trọng trong suốt quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM ở Lương Phú đã không ngần ngại, đưa chúng tôi đi thăm những đường làng, ngõ xóm và một số công trình văn hóa được Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp xây dựng trong 3 năm gần đây. Dọc các trục đường bê tông, phong quang, sạch đẹp, không phân rơi, rác bẩn, tôi tận mắt chứng kiến một sự đổi mới, khang trang bởi nhiều những ngôi nhà còn tươi mới màu sơn. Qua trò chuyện chúng tôi được biết: Lương Phú được đổi mới như hôm nay, còn nhờ bởi Đảng bộ, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, 79 tuổi, xóm Lương Trình: Nhờ triển khai xây dựng xã NTM, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân được nâng cao, phong trào ca hát, thể dục rèn luyện sức khoẻ phát triển mạnh, bà con chòm xóm sống đoàn kết, gắn bó và tích cực giúp nhau làm giàu, xây dựng gia đình văn hóa.
Nhìn dòng hạ lưu sông Đào cần mẫn mang nước tắm tưới cho những cánh đồng, ông Nguyễn Quốc Hùng Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm đầu bắt tay vào thực hiện Chương trình, nhiều người dân chưa thông, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Nhiều người cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, là việc của Nhà nước. Nhà nước phải đầu tư làm, chứ không phải xây dựng bằng tiền đóng góp của nhân dân. Bằng phương châm: “Vướng đâu, gỡ đó”, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM phân công nhau đến từng xóm, cùng đại diện các tiểu ban xây dựng NTM để trực tiếp tuyên truyền, giải thích cho mọi người dân cùng hiểu, cùng tham gia đóng góp công, góp của.
Hỏi bí quyết thành công, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Chẳng có bí quyết gì, ngoài sự minh bạch, rõ ràng trong sử dụng tiền đóng góp của nhân dân để làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hoá, sân chơi thể thao… Điển hình như công trình đường bê tông ở xóm Đồng Bị được triển khai xây dựng từ năm 2011. Tuyến đường bê tông đầu tiên của xã, dài 120m. Ngay sau khi tuyến đường xóm Đồng Bị được thi công hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, chính quyền địa phương đã cùng ban xây dựng xóm tổ chức họp dân. Tại buổi họp, đại diện ban xây dựng của xóm báo cáo lại toàn bộ những việc liên quan tới công trình, nhất là số tiền nhân dân đóng góp đều được sử dụng mua vật liệu xây dựng làm đường, không có hiện tượng tiêu cực, tư túi nên mọi người dân thấy yên tâm, không lo số tiền mình đóng góp bị ai đó trục lợi.
Hiến đất, một nghĩa cử đẹp trong xây dựng NTM ở Lương Phú. Bởi nhờ có nghĩa cử này mà đường về xã, về xóm được mở mang, phong quang, sạch đẹp; các công trình nhà văn hóa, khu thể thao; trường học, Trạm y tế xã… được mở mang, xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, học tập và khám chữa bệnh của nhân dân trong xã. Đến nay, 100% đường trục xã, đường liên thôn của Lương phú được bê tông hóa; kênh mương dẫn thủy nhập điền được thường xuyên tu sửa, nâng cấp, đáp ứng 100% yêu cầu sản xuất và dân sinh; 100% số hộ trong xã được sử dụng điện lưới Quốc gia; các trường tiểu học, trung học sơ sở và Trường Mầm non đều đã đạt chuẩn Quốc gia; 100% xóm, nhân dân đóng góp xây dựng được nhà văn hóa, trong đó có 10/12 nhà văn hóa xóm đạt chuẩn; 100% số xóm có mạng internet; xã không còn hộ ở nhà tạm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 23 triệu đồng/người/năm.
Đứng trước sân nhà văn hoá trung tâm xã, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Công trình Nhà văn hoá trung tâm xã rộng 500m2, khu thể thao của xã rộng 13.000m2, gồm nhà thi đấu cầu lông, sân bóng đá, bóng chuyền, khán đài… Công trình mới hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015. Để có công trình nhà văn hoá, sân thể thao này, gia đình ông Nguyễn Đăng Nam và nhiều hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi tiền hỗ trợ đền bù. Sau hiến đất, bà con lại đóng góp thêm tiền, ngày công lao động để công trình sớm được xây dựng hoàn thiện. Vì đó là những công trình người dân từng mơ ước bao năm.