Tính bền vững từ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

10:33, 15/10/2015

Hiện, toàn tỉnh Thái Nguyên có 5.651 người nghiện ma túy có danh sách quản lý. Tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp.

Trong những năm qua, công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện của tỉnh đã đạt được những chuyển biến tích cực. Do các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất về hành động trong việc triển khai đa dạng, đồng bộ các biện pháp, hình thức trong phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng. Từ tỉnh xuống cơ sở triệt để triển khai các biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc, các hình thức tại gia đình, cộng đồng và Trung tâm cai nghiện. Nhờ vậy, hầu hết số người nghiện ma túy có hộ khẩu thường trú được theo dõi, quản lý. Đặc biệt, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được các cấp, ngành và gia đình coi trọng. Đây được xem là biện pháp gốc rễ cho tính bền vững lâu dài của công tác này.

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lưu Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) (một trong những địa phương hàng năm vận động được nhiều người tham gia cai nghiện tự nghiện tại gia đình) khẳng định: “Cai nghiện tự nguyện tại gia đình là một hình thức không chỉ phù hợp với chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa công tác cai nghiện mà còn phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và nguyện vọng của người nghiện ma túy”.

 

Các cấp, ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, gia đình, cá nhân thường xuyên cảnh giác với tội pham ma túy; tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội ở mọi lúc, mọi nơi nhưng trước hết tại cộng đồng, tại nơi cư trú, gia đình, người thân mình; đẩy mạnh phong trào giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống ngay tại gia đình, tại cộng đồng. Các đoàn thể nhân dân, gia đình, cộng đồng tích cực tham gia giáo dục, vận động và giúp đỡ người nghiện, gia đình người nghiện tự giác khai báo, đăng ký hình thức cai nghiện và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng theo kế hoạch của UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt. Trạm y tế xã, phường, thị trấn lập hồ sơ bệnh án và hỗ trợ chế độ điều trị cắt cơn theo phác đồ điều trị. Gia đình người nghiện có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ người nghiện, cộng tác thường xuyên với Tổ công tác cai nghiện cấp xã, cán bộ y tế nhằm hướng dẫn, giám sát, giúp đỡ người nghiện cai nghiện và chống tái nghiện ma túy.

 

Đến tháng 6-2015, tỉnh ta đã tổ chức cai nghiện được cho 7.351 lượt người, trong đó cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 4.352 lượt người, chiếm 59,2% (toàn quốc khoảng 20%). Quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú đối với 888 người. Đây là biện pháp giúp người sau cai nghiện ma túy sớm hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tại sử dụng ma túy.

 

Đặc biệt, năm 2013, Thái Nguyên được Chính phủ đồng ý cho triển khai Đề án thí điểm mô hình điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình, cộng đồng, đến nay đã có 535/750 người tham gia điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại trên 100 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh.

 

Mỗi năm ngân sách toàn tỉnh đã đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng từ 900 đến 1.000 triệu đồng, như: xét duyệt hồ sơ cai nghiện, quản lý người cai nghiện, hỗ trợ tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh… Một số địa phương đã cử đại diện Tổ Công tác cai nghiện cấp xã đến thăm và có quà động viên những người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

 

Tuy vậy, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng có những hạn chế như: tuyệt đại đa số các trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa có phòng tư vấn, điều trị nghiện ma túy; cán bộ làm công tác làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cơ sở còn kiêm nhiệm, phụ cấp công tác thấp. Công tác phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương với gia đình, người thân trong cai nghiện, quản lý người sau cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên. Công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của cá nhân, xã hội. Từ thực tiễn công tác giúp đỡ người nghiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trong những năm qua có thể nêu lên một vấn đề sau:

 

Cần tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền về chất lượng, hiệu quả của từng biện pháp, hình thức cai nghiện ma túy.

 

Đẩy mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tại nơi cư trú đối với việc vận động người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma túy chủ động khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện cho phù hợp với điều kiện của bản thân. Chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn cần chủ động giúp đỡ người sau cai nghiện về vốn, kinh nghiệm phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái sử dụng ma túy. UBND các cấp cần có chính sách, giới thiệu những cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo công ăn, việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Có như vậy công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác cai nghiện ma túy mới thật sự hiệu quả, bền vững lâu dài.