Trụ cột của xóm Đá Mài

09:09, 09/10/2015

Ở xóm Đá Mài, xã Yên Đổ (Phú Lương), khi nhắc đến ông Nguyễn Thanh Nhạc, bà con trong xóm không ai không biết đến và dành tình cảm quý trọng. Nhiều năm nay, ông Nhạc đã tích cực tham gia công tác, đóng góp vào các công việc chung của xóm, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành trụ cột vững chắc của nhân dân trong xóm.

Trong căn nhà sàn nằm giữa những rừng cây bạt ngàn và những đồi chè xanh mát, ông Nhạc say sưa kể cho chúng tôi về cơ duyên của ông với xóm miền núi đặc biệt khó khăn Đá Mài. Vốn là một người con của xóm nhưng từ nhỏ, ông Nhạc đã đi học xa nhà. Sau đó ông tham gia công tác trong ngành Công an và định cư tại phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên). Năm 1993, 3 năm sau khi nghỉ hưu, ông Nhạc quyết định chuyển về sinh sống tại xóm Đá Mài để phát triển kinh tế. Khi mới chuyển về xóm, ông Nhạc nhận thấy người dân trong xóm chỉ tận thu rừng mà không biết trồng rừng để tiếp tục khai thác. Do canh tác lạc hậu, đời sống người dân rất khó khăn và ngày càng có thêm nhiều đồi, núi trọc ở địa phương. Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Nhạc sử dụng hơn 2ha đồi trọc được cha mẹ phân cho để trồng rừng. Đúng dịp đó, tỉnh ta có chương trình khuyến lâm Trồng rừng tái sinh phục hồi đất sau nương rẫy, ông Nhạc đã mạnh dạn đăng ký trồng hơn 0,5ha cây gỗ mỡ. Đến năm 1998, ông tiếp tục đăng ký với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh trồng cây luồng Thanh Hóa.

 

Đất bạc không phụ công người chăm bón, những lứa cây rừng đầu tiên của ông đã lần lượt sinh trưởng tốt và cho thu hoạch. Từ những thành công bước đầu của việc trồng rừng theo ô mẫu, ông Nhạc bắt tay vào khai phá thêm đất, mở rộng diện tích trồng rừng. Hiện nay, ông đã có trong tay 3,2ha đất rừng cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Trong đó, một nửa diện tích ông dành để trồng rừng tự nhiên, phần còn lại trồng rừng sản xuất với loại cây chủ yếu là keo lai. Ông Nhạc bộc bạch: Tôi trồng rừng tự nhiên phần lớn là để giữ đất và giữ nguồn nước. Hiệu quả kinh tế tuy quan trọng những vấn đề bảo vệ rừng còn cần thiết hơn.

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Nhạc còn vận động người dân trong vùng thay đổi suy nghĩ, cách canh tác truyền thống và truyền lại kinh nghiệm trồng rừng cho bà con địa phương. Các hộ trong xóm đã làm theo, trồng rừng sản xuất mang lại thu nhập tương đối cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, mọi người trong xóm ai cũng phấn khởi. Bên cạnh đó, mỗi khi có ai cần đến sự giúp đỡ về kỹ thuật, khai thác, đầu ra, ông Nhạc lại đến tận nơi giúp đỡ, cùng người dân tìm cách giải quyết khó khăn. Nhờ vậy, sự tin tưởng của người dân trong xóm đối với ông ngày càng cao.

 

Lối nghĩ của ông Nhạc là muốn cho người dân mình hiểu thì phải nói rõ cho họ biết cái đó tốt ra sao, mang lại lợi ích như thế nào, phân tích cho họ rõ những điều nên làm và không nên làm. Nhưng nếu muốn nhận được sự tin tưởng, đồng tình hoàn toàn của người dân thì bản thân mình và gia đình phải gương mẫu thực hiện trước, phải “nói đi đôi với làm” và tránh nhất là việc nói không giữ lời.  Ông Nhạc chia sẻ: Để vận động bà con thành công cần sự kiên trì, một lần đến nhà không được thì 2 lần, 3 lần…, điều quan trọng nhất là phải gần gũi với họ, nói những điều đúng đắn thì nhân dân sẽ ủng hộ. Nhờ vậy, ý kiến đóng góp của ông Nhạc luôn nhận được sự ủng hộ cả người dân trong xóm.

 

Đến năm 2005, bằng uy tín của mình, ông Nhạc được bầu làm Chi hội Trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Đá Mài. Sau đó, ông tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Yên Đổ, Phó ban công tác Mặt trận kiêm kế toán tài chính xóm, Người có uy tín của xóm Đá Mài, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh - Kinh lạc thao của xã. Ở tất cả các vị trí, ông đều hoàn thành tốt vai trò của mình, tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Xóm Đá Mài có 104 hộ với 433 nhân khẩu, trong đó, có hơn 50% người dân tộc thiểu số, gồm: Tày, Dao, Mường. Từ những năm gần đây, nhận thức của bà con đã được nâng lên, nhân dân trong xóm có sự thay đổi tích cực về nếp sinh hoạt, sản xuất: không nuôi nhốt, thả rông gia súc, gia cầm ở gần nhà; xóm không có người vi phạm pháp luật; xóm không có người nghiện hay buôn bán ma túy; những mâu thuẫn, xích mích được hòa giải ngay tại xóm; bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên thoát nghèo… Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xóm còn 19,2%, giảm hơn 30% so với trước năm 2005.

 

Nói về ông Nhạc, ông Nông Văn Phượng, Bí thư Chi bộ xóm Đá Mài cho biết: Nhờ có ông Nhạc mà nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được bà con nhanh chóng hưởng ứng và đồng tình. Còn anh Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Yên Đổ chia sẻ: Ông Nhạc là người cao tuổi gương mẫu, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu ở xóm Đá Mài nói riêng và xã Yên Đổ nói chung. Ông là trụ cột  về tinh thần vững chắc của nhân dân xóm Đá Mài.