Bước chuyển mới trong cai nghiện ma tuý

10:00, 13/11/2015

Phòng chống tội phạm và cai nghiện ma túy là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp. Trong những năm qua công tác cai nghiện ma tuý được nhiều cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, số người nghiện ma túy cai nghiện thành công chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức.

Hầu hết mọi người coi nghiện ma túy là tệ nạn xã hội, vì vậy giải pháp chủ yếu và xuyên suốt đối với người nghiện áp dụng biện pháp xử lí vi phạm hành chính (cai nghiện bắt buộc). Việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình đã được thực hiện nhưng còn nhiều hạn chế. Liệu pháp y dược tham gia vào quá trình cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe ít được áp dụng, nếu có cũng thiếu triệt để…

 

Trước những khó khăn trên, năm 2010 Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu- Điều trị các bệnh hiểm nghèo Hà Nội thí điểm triển khai điều trị nghiệm ma tuý bằng thuốc Cedemex tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh. Kết quả có 41 người tham gia điều trị tự nguyện bằng thuốc Cedemex. Sau 6 tháng điều trị tại Trung tâm 41 người trở về gia đình tham gia lao động và hoà nhập cộng đồng. Sau 24 tháng trở về gia đình các địa phương tổ chức kiểm tra có 9 người chưa tái sử dụng ma tuý (đạt 21,9%).

 

Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm mở rộng “Mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013- 2017. Đề án được triển khai bắt đầu từ tháng 4-2013. Sau 30 tháng triển khai, Ban chủ nhiệm Đề án đã tổ chức trên 100 buổi tập huấn, tuyên truyền, tư vấn về tác hại của nghiện ma túy, các yếu tố để cai nghiện ma túy thành công, cách phòng chống tái sử dụng ma túy sau khi cai nghiện, trách nhiệm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ công tác cai nghiện cấp xã, người nghiện ma túy và gia đình về nội dung của Đề án điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex v.v... cho trên 2.500 cán bộ cấp huyện. Tổ Công tác cai nghiện cấp xã, người nghiện ma túy và thân nhân của người nghiện ma túy tham gia; tổ chức in ấn và cấp phát 8.000 cuốn tài liệu tư vấn điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tới các ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, Tổ nhân dân, xóm có người nghiện ma túy; in và cấp phát 500 đĩa DVD về một số mô hình triển khai và tổ chức thực hiện Đề án điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex có hiệu quả bước đầu nhằm phổ biến tới các địa phương, gia đình có người nghiện ma túy.

 

Đến nay có 536 người nghiện ma túy tại trên 100 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã đã tham gia điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex. Sau 5 ngày ngày điều trị cắt cơn, loại bỏ triệu chứng thèm đói ma túy có 398/536 người không tiếp tục sử dụng ma túy trái phép (chiếm 74,3%). Trong thời gian điều trị có 205 người tái sử dụng ma túy, Ban Chủ nhiệm Đề án không cho tiếp tục tham gia. Có 193 người tham gia điều trị đủ 6 tháng, uống đủ 11 hộp thuốc Cedemex theo phách đồ điều trị. Qua kiểm tra 193 người có 82 chưa tái sử dụng trái phép ma túy (chiếm 42,48%).

 

Hầu hết người tham gia điều trị nghiện ma túy đều đánh giá tác dụng tích cực của thuốc Cedemex làm giải thiểu các cơn thèm đói ma túy và dị cảm trong cơ thể; giảm nhiều triệu chứng mất ngủ, đi ngoài, mệt mỏi đối với quá trình cai nghiện. Quá trình thực hiện Đề án nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội, cán bộ, nhân dân, nhất là người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện thay đổi nhận thức, hiểu biết hơn về nghiện ma túy là căn bệnh có thể chữa được; thấy rõ trách nhiệm trong phòng chống tệ nạn xã hội, công tác tổ chức cai nghiện cho người nghiện tại gia đình và cộng đồng. Nhiều người vợ, người cha, người mẹ... đã phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác cai nghiện cấp xã, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện, Ban Chủ nhiệm Đề án trong việc động viên, giúp đỡ người nghiện cai nghiện và phòng chống tái sử dụng ma túy.

 

Đồng chí Bùi Tuấn Thịnh, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Chủ nhiệm Đề án khẳng định: “Sau gần 3 năm chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là bước chuyển mới trong nhận thức và tổ chức thực hiện đối với công tác cai nghiện ma tuý; nhiều tổ chức, gia đình, cá nhân, trước nhất là cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn, cán bộ làm công tác cai nghiện ma tuý, người nghiện ma tuý và gia đình có người nghiện ma tuý hiểu biết hơn về căn bệnh nghiện ma tuý, một số phương pháp cai nghiện ma tuý chủ yếu hiện nay, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là Tổ Công tác cai nghiện cấp xã, gia đình có người nghiện, người nghiện ma tuý v.v... đối với quá trình cai nghiện, phòng chống tái nghiện, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng”.