Còn nhiều khó khăn trong giám sát, đánh giá Chương trình phòng, chống HIV/AIDS

14:30, 12/11/2015

Ngày 12/11, tại Hội nghị “Tăng cường công tác giám sát dịch, theo dõi và đánh giá Chương trình phòng, chống HIV/AIDS do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên đều cho rằng: Công tác giám sát, theo dõi và đánh giá Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn và thách thức cả về nhân lực và nguồn tài chính.

Nhiều đại biểu cho biết, các tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn như hệ thống quản lý, giám sát, theo dõi từ tỉnh xuống đến Trung tâm y tế dự phòng các huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa chặt chẽ do nhân lực quá mỏng, kinh phí cho hoạt động can thiệp chủ yếu từ các dự án quốc tế tài trợ, ngân sách của tỉnh dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Thực trạng này dẫn đến việc thu thập thông tin không đầy đủ, còn xảy ra trùng lặp, khó khăn trong việc tổng hợp số liệu, quản lý người nhiễm HIV/AIDS.

 

Tại hội nghị, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng: Trước bối cảnh nguồn tài trợ từ nước ngoài cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ngày một giảm, trong khi ngân sách nhà nước dành cho chương trình này rất ít ỏi, các tỉnh, thành phố cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác giám sát, theo dõi và đánh giá, đồng thời kết hợp lồng ghép các chương trình giám sát trọng điểm và giám sát hành vi để vừa tiết kiệm ngân sách mà vẫn đưa ra được những dữ liệu cơ sở khoa học một cách chính xác.

 

Để thực hiện Chương trình phòng, chống HIV/AIDSnày hiệu quả, Thạc sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát, theo dõi, đánh giá và xét nghiệm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình giám sát phát hiện ca nhiễm HIV, đồng thời quan tâm đầu tư cả về nhân lực và tài chính cho chương trình giám sát, theo dõi và đánh giá. Bên cạnh đó, các ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế của các địa phương cần có giải pháp phối hợp trong quản lý, điều hành và thực hiện để đưa ra những số liệu thống nhất, tạo thuận lợi cho công tác giám sát và theo dõi, đánh giá Chương trình phòng, chống HIV/AIDS .

 

25 năm qua, kể từ thời điểm phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên, Việt Nam đã đưa chương trình giám sát, theo dõi và đánh giá trở thành 1 trong 3 chương trình thống nhất theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Đó là thống nhất về chương trình hành động quốc gia, thống nhất về hệ thống phòng, chống HIV/AIDS và thống nhất về chương trình giám sát, theo dõi, đánh giá.

 

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá xu hướng nhiễm HIV/AIDS và tử vong, đánh giá phân bố dịch HIV theo khu vực địa lý, đối tượng, giới tính, đường lây, các số liệu từ công tác giám sát còn giúp việc lập kế hoạch, xây dựng chính sách, đánh giá hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam được chính xác hơn. /.