Toàn tỉnh hiện có 47,8km đê, 17 kè lát mái và 5 kè mỏ hàn cứng, 21 cống tiêu thoát lũ dưới đê. Hệ thống đê có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản cho các khu dân sinh, kinh tế, khu công nghiệp của Trung ương và địa phương, các cơ sở quốc phòng... Tuy nhiên, thời gian qua, tại các tuyến đê trên đã xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều.
Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua và đặc biệt là trong năm 2015, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều. Đơn cử như việc xây dựng nhà tạm, lợp mái tôn trong hành lang đê Mỏ Bạch, tại Km0 + 600 thuộc địa phận phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) của gia đình ông Nguyễn Hồng Kiểm. Tại Biên bản xử phạt vi phạm Luật Đê điều ngày 21-5-2015, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã yêu cầu ông Kiểm phải tháo dỡ toàn bộ công trình trên trước ngày 23-5. Tương tự, vụ việc ông Nguyễn Đắc San, xóm Sộp, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) xây nhà tạm trái phép trong hành lang bảo vệ tuyến đê Gang Thép (tại km 4 + 960) cũng đã được Đoàn Kiểm tra lập Biên bản xử lý vi phạm vào ngày 19-10 và yêu cầu gia đình phải tháo dỡ toàn bộ công trình nêu trên.
Đây chỉ là 2 trong 25 vụ vi phạm Luật Đê điều đã được các cấp, ngành chức năng của tỉnh lập biên bản xử lý trong năm 2015. Theo đó, số vụ vi phạm đã giải quyết triệt để là 10 vụ, 15 vụ còn tồn đọng vẫn đang tiếp tục được đôn đốc, giải quyết. Ông Nguyễn Văn Bắc, Chi cục Phó Chi cục Thuỷ lợi và PCLB tỉnh cho biết: Những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng vi phạm cố tình làm lều, quán, xây dựng tường rào, làm mái hiên... trong hành lang bảo vệ đê. Cá biệt có một số trường hợp xây dựng công trình kiên cố, đổ rác thải trong hành lang bảo vệ đê, kè, cống ảnh hưởng đến an toàn công trình đê, đặc biệt là khi có mưa, lũ xảy ra.
Theo đánh giá của các cấp, ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm nêu trên trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã, phường (nơi có các tuyến đê đi qua) chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật: ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết nên dẫn đến tình trạng nhiều vụ vi phạm cũ chưa được giải quyết dứt điểm đã phát sinh thêm các vụ vi phạm mới. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vụ vi phạm pháp luật về đê điều...
Một thực tế nữa là do tồn tại từ quá khứ, các khu dân cư, cơ sở sản xuất đã hình thành trong phạm vi bảo vệ đê trước khi có Pháp lệnh Đê điều nên gây khó khăn cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh trong việc giải toả, di dời các công trình vi phạm. Ở một số vụ vi phạm khác, mặc dù đã có chế tài, hướng dẫn, nhưng chưa có trường hợp nào bị các địa phương xử phạt hành chính về lĩnh vực đê điều. Đặc biệt, một số địa phương, ngành khi cấp phép cho các hoạt động sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đê chưa quan tâm đến phạm vị điều chỉnh của pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão cũng như không tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn nên đã cấp đất, giao đất, cho thuê đất, thực hiện hợp đồng sử dụng bến bãi, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê, hành lang thoát lũ...
Ông Bùi Tiến Chính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để bảo an toàn cho tính mạng, tài sản cả người dân... cần được thực hiện kiên quyết, triệt để. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiến hành giải toả các công trình trong phạm vi 5m tính từ chân đê trở ra theo đúng quy định về hành lang bảo vệ đê đối với đê đi qua khu dân cư, khu đô thị. Đối với các công trình nhà ở riêng biệt không thuộc khu dân cư tập trung, xử lý giải toả theo hành lang bảo vệ đê 25m, tính từ chân đê trở ra. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cấp huyện và cấp xã, nơi có tuyến đê đi qua tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật đê điều và phòng, chống lụt bão; tiếp tục triển khai ký cam kết không vi phạm pháp luật đê điều đối với các phường, xã có đê...
Cùng với những giải pháp trên, để công tác quản lý đê điều được thuận lợi, các cấp, ngành liên quan của tỉnh cần xem xét bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật về đê điều đến từng hộ dân, trường học nơi có các tuyến đê đi qua; huy động lực lượng công an trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là trong việc xử lý khai thác cát sỏi trái phép khu vực giáp danh với tỉnh Bắc Giang và Hà Nội...
Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 198 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó đã giải quyết được 67 vụ. Số vụ còn lại đang tiếp tục được đôn đốc giải quyết.