Nhân rộng những tấm lòng nhân ái từ thiện

08:10, 21/11/2015

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay). Đến ngày 23-11-1946, Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất tại đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là T.P Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập.

 

Ngày 5-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 4-11-1957, trong cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III (ngày 15-12-1965), Hội Hồng thập tự Việt Nam được đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cũng là thành viên tích cực của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội hoạt động trên phạm vi cả nước với 7 lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa ứng phó thảm hoạ.

 

Trải qua 69 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, bám sát cơ sở, gắn bó với nhu cầu, lợi ích của nhân dân và của cán bộ, hội viên, góp phần chăm lo, giúp đỡ có hiệu quả các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thực hiện chính sách xã hội nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

 

Cùng với phong trào Chữ thập đỏ trong cả nước, tại Thái Nguyên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh được thành lập vào ngày 15-10-1973. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa đóng góp vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, được nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia.

 

Trong những năm qua, mặc dù phong trào Chữ thập đỏ còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện công tác của cán bộ Hội còn nhiều hạn chế nhưng đội ngũ những người làm công tác Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã luôn đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, hợp tác trong công việc, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tích cực chỉ đạo phong trào ở cơ sở. Về cơ bản, Hội luôn hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Các phong trào “Tết Vì người nghèo”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”, công tác hỗ trợ, cứu trợ và các mô hình nhân đạo dựa vào cộng đồng; chăm lo sức khoẻ cho người nghèo và các đối tượng chính sách; phong trào hiến máu tình nguyện... được Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh thực hiện thường xuyên và đem lại hiệu quả cao.

 

Một số kết quả nổi bật trong 5 năm qua là: Phong trào “Tết Vì người nghèo”, “Vì nạn nhân chất độc da cam” đã thu hút trên 5.000 tập thể, cá nhân tham gia ủng hộ trên 104.000 suất quà trị giá gần 58 tỷ đồng, giúp các đối tượng vui Xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc. Hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ trên 19.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại 9 bệnh viện trong tỉnh với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng; hơn 1.000 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đã được hỗ trợ vay vốn sản xuất, hỗ trợ lương thực hàng tháng… Đặc biệt, đã duy trì và phát triển mô hình “Ngân hàng bò” giúp cho 1.530 hộ gia đình phát triển chăn nuôi mang lại thu nhập tương đối ổn định. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 385 nhà nhân đạo trị giá gần 6 tỷ đồng; gần 400 đối tượng được hỗ trợ gắn địa trị nhân đạo trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện đang duy trị trên 1.000 địa chỉ từ thiện, nhân đạo.

 

Trong 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã cứu trợ khẩn cấp và vận động cứu trợ đột xuất cho các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tai nạn như: sập mỏ than Phấn Mễ (Phú Lương); sập nhà thờ tại xã Linh Sơn (Đồng Hỷ); hỗ trợ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ… Trong phong trào Hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các chiến dịch “Lễ hội Xuân hồng”, “Giọt hồng cho bé”, “Những giọt máu hồng hè”… Từ năm 2010-2014, toàn tỉnh đã thu được 50.615 đơn vị máu, góp phần cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo…

 

Với nhiều việc làm ý nghĩa, kịp thời, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ các đối tượng gặp khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng và xứng đáng là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội.