Nỗ lực trong công tác giảm nghèo

10:40, 27/11/2015

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội T.P Thái Nguyên thì hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố chỉ còn 1,76%; trung bình mỗi năm, Thành phố giảm được 5% số hộ nghèo. Để có được kết quả trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Thành phố đã tích cực thực hiện các giải pháp giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, hàng năm, Thành phố luôn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình ông Lương Hữu Quân, ở xóm Núi Nến, xã Phúc Xuân là một trong những hộ điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững của xã. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, vợ ông bị bệnh nên phải đi viện điều trị thường xuyên, tài sản trong gia đình gần như bán hết để lo tiền chữa bệnh cho vợ. Ông Quân cho biết: “Nhờ được tạo điều kiện vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện, gia đình tôi đang chăm sóc 5 sào chè lai TRI777 và duy trì đàn lợn 20 con, mỗi năm bán được 3 lứa, trừ hết chi phí gia đình tôi cũng thu về được khoảng gần 100 triệu đồng/năm. Cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều”. Hay như hộ gia đình chị Lê Thị Na, ở tổ 10, phường Cam Giá cũng đã vươn lên thoát nghèo và có kinh tế ổn định từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chị Na cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi rất khó khăn. Nhưng từ năm 2014 đến nay, nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tôi đã đầu tư mua bò cái sinh sản, nuôi thêm đàn lợn và trồng thêm khoảng 60 gốc đào (dự kiến đến cuối năm sẽ cho thu hoạch), ngoài ra tôi còn đi làm thêm ở một doanh nghiệp với mức lương trung bình 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống của ba mẹ con tôi cũng ổn định hơn trước nhiều”.

 

Tính từ năm 2011 đến nay, đã có 2.247 lượt hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng kinh phí là trên 61 tỷ đồng. Việc thực hiện vay vốn được Ngân hàng Chính sách Xã hội uỷ thác cho các đoàn thể chính trị xã hội như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... tại các xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Ông Ngô Đình Vượng, Phó Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội Thành phố cho biết: Trước khi cho hộ nghèo được vay vốn, chúng tôi tiến hành điều tra, rà soát những hộ nghèo được vay và có khả năng trả nợ Ngân hàng. Riêng đối với những hộ có người mắc các tệ nạn xã hội: nghiện ma túy, cờ bạc, nghiện rượu... hoặc vay vốn không phải vì mục đích làm kinh tế thì chúng tôi tuyệt đối không cho vay.

 

Hướng giảm nghèo bền vững được Thành phố quan tâm đó là hàng năm Trung tâm Dạy nghề, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông Thành phố phối hợp với các xã, phường triển khai lồng ghép việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất cho người nghèo. Từ tháng 8-2011 đến nay, đã có trên 2 nghìn lượt người nghèo được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ; 210 người được tham gia các lớp đào tạo nghề cho hộ nông dân nghèo với các nghề: trồng nấm rơm, hoa, chăn nuôi thú y...

 

Không chỉ có vậy, Thành phố đặc biệt chú trọng công tác xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách, còn có sự đóng góp tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp từ Thành phố đến cơ sở, hỗ trợ bằng nhiều hình thức, như: giúp đỡ bằng vật liệu xây dựng, ngày công lao động, kinh phí... nên việc xóa nhà dột nát cho hộ nghèo đạt khá cao. Sau 4 năm thực hiện (2011-2015), Thành phố đã hỗ trợ  xóa được 354/301 nhà dột nát cho hộ nghèo (đạt tỷ lệ 117%); dự kiến đến hết năm 2015, sẽ hỗ trợ thêm 70 nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, từng bước giúp họ ổn định cuộc sống.

 

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, lồng ghép, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố đã giảm qua các năm. Nếu như cuối năm 2010, số hộ nghèo của Thành phố còn 2.842 hộ, chiếm 4,53% thì đến hết năm 2013, số hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 1.779 hộ, chiếm 2,6%. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, Thành phố sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5%.

 

Nói về kế hoạch thời gian tới, ông Ngô Đình Vượng cho chúng tôi biết thêm: Thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người nghèo nhằm nâng cao nhận thức, khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo để trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở một số bộ phận người dân; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác lãnh đạo chỉ đạo về công tác giảm nghèo, giám sát chặt chẽ đối với công tác rà soát, điều tra hộ nghèo hàng năm, ngăn chặn tình trạng đánh giá, xác định hộ nghèo không đảm bảo quy trình, thiếu khách quan ở cấp xóm, tổ...