Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân

08:30, 20/11/2015

 Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 100.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) nhưng 70% là lao động nhập cư. Công nhân nhập cư (CNNC) được xếp vào nhóm có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS cao nên thời gian qua nhiều nhà máy đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống nhiễm HIV/AIDS trong công nhân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Bình Minh, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Phần lớn CNNC ở các KCN là lực lượng lao động trẻ, kiến thức, kỹ năng sống còn hạn chế, sống xa nhà và phải ở trọ tại những nơi thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí nên rất dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, họ còn rất hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tại nơi tạm trú. Từ đó, khiến cho CNNC đứng trước nhiều nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS”.

 

Và để phòng tránh cũng như giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS đối với công nhân nói chung và CNNC nói riêng, thời gian qua nhiều nhà máy tại các KCN trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động. Chúng tôi đến Công ty Điện tử Samsung (SEVT), tại khu công nghiệp Yên Bình (Thị xã Phổ Yên), nơi có hơn 6.000 công nhân và chiếm hơn 80% là CNNC để tham dự buổi sinh hoạt tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS của Tổ linh kiện do Phòng Quan hệ lao động SEVT tổ chức. Tại buổi sinh hoạt, khá đông công nhân được cộng tác viên sức khỏe - công nhân Hoàng Thị Lan (sinh năm 1990, quê ở tỉnh Bắc Giang) phổ biến lại những kiến thức mà chị được tập huấn trong buổi tọa đàm “HIV/AIDS hiểu biết bạn và tôi” tổ chức tại Trung tâm Phát triển nhân tài SEVT vào cuối tháng 10 vừa qua. Chị Lan cho biết: “Buổi tuyên truyền này nằm trong Dự án giáo dục sức khỏe cho công nhân do Phòng Quan hệ lao động của công ty triển khai từ đầu năm 2015. Vì thế cũng như nhiều tổ chuyên môn khác, Tổ linh kiện sẽ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một buổi với các nội dung như: Kiến thức về nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS, kỹ năng bảo vệ bản thân và phân phát các tài liệu tham khảo, tạp chí, tờ rơi, tập san về HIV/AIDS”. Chị Lan cũng cho biết Dự án giáo dục sức khỏe thực hiện thông qua các các tổ trưởng là công nhân đang làm việc trong công ty sẽ tạo được sự gần gũi, cởi mở cho mọi người. Từ đó, giúp việc quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe của công nhân thuận lợi hơn.

 

Nằm trong KCN Điềm Thụy (huyện Phú Bình), tổ chức Công đoàn của nhà máy Yong Jin Hi - Tech mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động hơn một năm, nhưng công tác phòng, chống HIV tại nơi làm việc cũng rất được quan tâm. Chị Vũ Thị Thu Hà, phụ trách Ban Nữ công Công đoàn nhà máy cho biết: “Để phù hợp với thời gian làm việc của công nhân, chúng tôi lựa chọn tuyên truyền HIV/AIDS qua phương tiện truyền thanh, khẩu hiệu, pano và băng rôn… Các kiến thức về HIV/AIDS đã và đang được Công đoàn lồng ghép vào buổi sinh hoạt, trong các nội dung liên quan đến giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính. Vào tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, chúng tôi có kế hoạch mời chuyên gia của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân”.

 

Đánh giá về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các KCN, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Hiện nay tỉnh ta có một lượng lớn CNNC về làm việc ở các KCN. Vì thế các cấp Công đoàn rất quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân. Trong 2 năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 400 buổi truyền thông trực tiếp cho hơn 29.746 lượt cán bộ công đoàn và công nhân lao động ở các KCN. Công đoàn tại các nhà máy cũng đã linh hoạt triển khai các nội dung phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hình thức phong phú, đa đạng. Qua đó, thu hút đông đảo công nhân tham gia, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS”. Tuy nhiên để công tác phòng, chống HIV/AIDS trong công nhân đạt hiệu quả hơn, ông Hải nhấn mạnh các Công đoàn cơ sở cần tham mưu với doanh nghiệp để nhận thức được tầm quan trọng của việc làm này đối với người lao động, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giúp công nhân có thể tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV.

 

Có thể thấy rằng, tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV trong công nhân không chỉ góp phần nâng cao kiến thức, chăm lo sức khỏe cho công nhân mà còn thể hiện được trách nhiệm và nhận thức của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay. Hy vọng, việc làm này sẽ ngày càng được triển khai sâu rộng hơn nữa ở các KCN trong tỉnh, góp phần làm nên sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp đồng thời chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi tệ nạn xã hội.