Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

16:59, 02/11/2015

Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề  như sản xuất vật liệu xây dựng, mây tre đan; nấu ăn; trồng hoa; trồng nấm; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; hàn; điện công nghiệp; may công nghiệp… Trong đó, có gần 27 nghìn người được đạo tạo nghề từ nguồn ngân sách Nhà nước.  

Thông qua đào tạo nghề, nông dân được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, từng bước đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương...

 

5 năm trước, anh Nguyễn Văn Hiếu, xóm Khe Cua, xã Quân Chu (Đại Từ) đã tốt nghiệp nghề Điện công nghiệp, hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Luyện kim Thái Nguyên và được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Doanh Trí, có trụ sở tại phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Hiện nay, Công ty đang tập trung khai thác tận thu quặng ba-rít tại xã Lục Ba và chì, kẽm tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ). Anh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Với ngành nghề được đào tạo, tôi luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, có mức thu nhập ổn định (5 triệu đồng/tháng). Tôi rất yên tâm khi làm việc tại đây nên sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 

Không tham gia học nghề tại các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng chị Ma Thị Huyên, dân tộc Tày, xóm Na Rang, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) cũng đã có việc làm và thu nhập ổn định khi tham gia các khóa học dạy nghề nông nghiệp cho nông dân (hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt). Chị Huyên cho rằng: Từ những kiến thức đã học, tôi đã áp dụng vào đồng ruộng khá hiệu quả, có thu nhập cao hơn. Đơn cử như với cây lúa, tôi đã đưa các giống lúa lai vào gieo cấy thay cho những giống lúa địa phương năng suất thấp. Trong quá trình thâm canh, tôi bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng nên lúa phát triển tốt, cho năng suất cao. Gia đình tôi có hơn 10 sào ruộng. Vụ mùa này, năng suất lúa đạt 2 tạ/sào, tăng 50-60kg/sào so với 4 năm trước nên thu nhập từ lúa số lương thực thu được không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi của gia đình mà còn dư ra để bán lấy tiền…

 

Không chỉ riêng anh Hiếu, chị Huyên mà rất nhiều lao động nông thôn của Thái Nguyên đã có việc làm và thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp các trường đạo nghề, các khóa đào tạo... Theo số liệu của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp thì từ năm 2011 đến nay, chỉ tính riêng trong số lao động nông thôn được đào tạo nghề từ ngân sách Nhà nước, đã có khoảng 20 nghìn người có việc làm ổn định. Trong đó, lao động được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyển dụng là gần 6,5 nghìn người; 804 lao động được bao tiêu sản phẩm sau khi sản xuất ra; gần 10 nghìn lao động tự tạo việc làm; 156 người thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp…

 

Theo nhận định của những người có trách nhiệm, dạy nghề cho lao động nông thôn đã và đang góp phần giúp Thái Nguyên chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Đạt được kết quả này là do tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020. Thông qua thực hiện Đề án, các cấp, ngành liên quan đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của việc đào tạo, học nghề; tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; chủ động linh hoạt trong việc lựa chọn ngành nghề, trên cơ sở bám sát điều kiện, thế mạnh của mỗi địa phương… Nhờ đó, việc dạy nghề đã bám sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho người nông dân sau đào tạo.

 

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh phí học nghề, chi phí ăn, đi lại cho lao động nông thôn yên tâm tham gia học nghề cũng góp phần giúp việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đạt kết quả tốt hơn. 5 năm qua, toàn tỉnh đã trích ngân sách hỗ trợ trên 36 tỷ đồng cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Ngoài ra, công tác phát triển, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề cũng được tỉnh quan tâm. Những năm qua, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường kiểm tra, đánh giá đội ngũ này, từ đó xác định kế hoạch đào tạo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nghề; huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư… tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn... Từ năm 2011 đến nay, có trên 200 người được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; 126 người được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy học. Đến nay, đã có 9/9 huyện bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác dạy nghề thuộc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội.

 

Với mục tiêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong những năm tới, Thái Nguyên sẽ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cũng như khảo sát nhu cầu học nghề; hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, nghiên cứu xây dựng mô hình mới dạy nghề theo đơn đặt hàng; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu về đào tạo nghề của lao động nông thôn. Cùng với đó là tăng cường công tác tư vấn học nghề và việc làm, gắn kết với doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động, khuyến khích lao động nông thôn tự tạo việc làm tại các địa phương…