Chuyện ở xóm Cao Sơn

10:35, 21/12/2015

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về xóm, bản khó khăn nhất ở xã, ông Triệu Tiến Hiện, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn (Võ Nhai) trăn trở rất nhiều về xóm Cao Sơn. Đúng như tên gọi, cách trung tâm xã chừng 6km, xóm Cao Sơn nằm cheo leo, lọt thỏm như một ốc đảo trên núi…

Năm nào cũng thế, mỗi khi cánh hoa rừng đua nhau nở, sương giăng trắng xóa núi rừng, bầu trời chuyển màu xám xịt, cũng là lúc người dân xóm Cao Sơn lo lắng bởi mùa đông khắc nghiệt lại đến. Con đường đất đá lởm chởm, uốn lượn, từ từ lên cao như thử thách “độ cứng” của các tay lái, xung quanh là vẻ u tịch, hoang vu của núi rừng. Trong căn nhà sàn mới toanh của ông Đặng Văn Hiện, Trưởng xóm Cao Sơn vang lên tiếng cười nói giòn tan của một nhóm người dân trong xóm. Ngồi quây quần bên ấm trà nóng, hơi bốc nghi ngút, họ - mỗi người kể một chuyện về đời sống, sinh hoạt của mình. Cách đây vài năm, con đường vào xóm là lối mòn theo sườn núi, cỏ cây lau lách che kín lối, để vào tới nơi mất 1giờ đồng hồ, vào mùa mưa xe máy không đi nổi, con em vì thế đi học rất ít, giờ được thế này là cũng khấm khá rồi - một người trong nhóm cho biết.

 

Ông Tiến khái quát: Cao Sơn là xóm cao và xa nhất của xã Vũ Chấn, với 46 hộ, 222 khẩu, 100% là người dân tộc Dao. Trước đây, đời sống của bà con rất nghèo, canh tác nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu trồng lúa, ngô nhưng năng suất thấp vì thiếu nước và giống chất lượng. Bữa ăn chủ yếu mèn mén, rau rừng. Chăn nuôi cũng không hiệu quả vì thời tiết khắc nghiệt, mùa đông năm nào cũng có vài  con trâu bò bị chết rét. Cái rét ở vùng núi cao này như ngấm thấu da thấu thịt.

 

Như một luồng gió mới cho người dân nơi đây khi chương trình hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo theo Chương trình 135 đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm xóm có khoảng 4-5 hộ được vay vốn với số tiền mỗi đợt trên 30 triệu đồng. Từ số tiền này, bà con đã mua nông cụ sản xuất như máy cày, máy phát cỏ, máy sao chè, mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... Hiện, gần 80% bà con trong xóm có máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cũng nhờ đó mà số hộ nghèo giảm dần, từ 35 hộ nghèo năm 2012 xuống còn 18 hộ năm 2015. Đặc biệt, cách đây 4 năm, bà con trong xóm đã biết đưa giống khoai sọ về trồng. Nhận thấy cây khoai mì dễ trồng, lại mang lại hiệu quả kinh tế, với giá bán từ 8-15 nghìn đồng/kg nên bà con trồng ngày càng nhiều, đến nay đã có 40 hộ trồng với khoảng 15-20ha. Nhờ biết đưa giống ngô, giống lúa mới, biết chăm sóc, áp dụng máy móc trong sản xuất nên năng suất tăng. Cây chè bắt đầu được bén rễ với các giống chè mới…

 

Cuộc sống của người dân Cao Sơn đã cơ bản ổn định, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn. Không có chợ trung tâm, nên mọi nhu yếu phẩm hàng ngày, người dân đều tự sản, tự tiêu. Nếu muốn mua vật dụng gì thì phải xuống tận chợ ở xã Cúc Đường cách đấy gần 30km. Đặc biệt việc có điện lưới vẫn là niềm khao khát của bà con hàng chục năm nay. Anh Đặng Văn Tiến, một người dân trong xóm tâm sự: Không có điện, mọi sinh hoạt và sản xuất đều khó khăn, đặc biệt vào buổi tối, nhà nhà chỉ biết làm bạn với cây đèn dầu. Hộ nào khấm khá hơn thì đầu tư có máy thủy điện nhỏ, song cũng chỉ sử dụng được vào mùa mưa. Được sự vận động của các thầy cô giáo, trong những năm gần đây, hầu hết con em xóm đã đi học đầy đủ. Nhưng không có điện, chuyện tự học của các em gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các bậc phụ huynh lại không thể kèm cặp phần vì không biết chữ, phần lo cuộc sống. Cô Hoàng Hồng Hạnh, giáo viên có 3 năm cắm bản ở đây cho biết: Điểm trường Cao Sơn có 18 học sinh, các em rất ngoan và chăm chỉ học bài. Phòng học dù đã được kiên cố, với hệ thống điện được lắp đặt sẵn nhưng không có điện ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy và học của cô trò.

 

Chia tay Cao Sơn khi làn sương đã dần bao phủ, bếp lửa trong các nếp nhà đã rực đỏ, những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ ô cửa sổ. Mừng cho Cao Sơn, khi cuộc sống đang được cải thiện từng ngày, nhưng chúng tôi cũng thầm mong ước mơ có điện của người dân nơi đây sớm trở thành hiện thực.