Chuyện về các cựu nữ thanh niên xung phong

09:00, 21/12/2015

Trong một lần được tham gia buổi gặp mặt của Hội cựu Thanh niên xung phong (TNXP) phường Thắng Lợi (T.P Sông Công), được lắng nghe những chia sẻ, kỷ niệm của hơn 30 hội viên, chúng tôi ấn tượng với 2 cựu nữ TNXP. Họ, những người phụ nữ nhỏ bé nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào không chùn bước.

Người chúng tôi gặp đầu tiên là bà Phạm Thị Thơm, mặc dù đã 66 tuổi nhưng bà vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Bà Thơm quê ở xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên. Những năm kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi phải hứng chịu nhiều trận bom bắn phá ác liệt của quân địch. Đường sá bị phá hỏng nặng nề, việc đi lại khó khăn, người dân bị cô lập. Năm 1966, tròn 17 tuổi, bà đã đăng ký tham gia TNXP, được phân công về Đội 91 TNXP Bắc Thái, Đại đội 912 T11. Hằng ngày, cứ đoạn đường nào bị bom bắn phá, bà cùng cả đội theo lệnh đến san ủi, lấp hố bom, đảm bảo thông tuyến cho các chuyến xe phục vụ chiến đấu. Ngoài sửa chữa đường, bà Thơm còn tham gia mở rộng các tuyến đường trọng điểm như tuyến Bắc Kạn - Na Rì, Ngân Sơn - Đèo Gió. Nhắc đến kỷ niệm này, bà Thơm chia sẻ: Tôi nhớ nhất năm 1969, tuyến đường Ngân Sơn - Đèo Gió (Cao Bằng) bị sụt lún nghiêm trọng cả một đoạn đường dài 7km. Vậy là gần 1 năm trời chúng tôi ở đó làm đường, phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, heo hút, hiểm trở, đói rét, thiếu thốn trăm bề. Thời điểm đó là Tết, lần đầu tiên tôi không được ở bên gia đình đón chào năm mới. Nhưng rồi nhận được sự chia sẻ của chị em trong Đội, tôi đã vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Năm 1973, trở về quê, bà Thơm nên duyên vợ chồng với chàng trai làng bên. Làm vợ mới được 9 năm, chồng bà mắc bệnh và qua đời. Khi đó, một mình bà cáng đáng chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, bệnh tật, cùng 4 con thơ, đứa lớn nhất mới được 8 tuổi, đứa út mới hơn 1 tháng. Chịu khó, tần tảo, một mình bà gắng gượng lao động với hơn mẫu lúa, chăn gà, chăn lợn rồi chạy chợ buôn bán, đủ thứ nghề để nuôi con ăn học, chăm sóc cả gia đình. Là hiện giờ, các con bà đều đã trưởng thành, lập gia đình và có công việc ổn định. Vừa trò chuyện với chúng tôi vừa treo lại tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, bà bảo: Tôi may mắn vì những gì mình làm, được Nhà nước ghi nhận, đồng đội của tôi có nhiều người không còn cơ hội này nữa. Đến giờ, tôi chỉ mong có sức khỏe để tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ các hội viên khó khăn khác và chăm sóc cháu nội, ngoại chăm ngoan, học giỏi là tôi mừng.

 

Cũng cùng mong muốn được cống hiến sức trẻ cho đất nước, năm 1972, bà Đỗ Thị Loan, người con của miền quê Nam Định hăng hái đăng ký tham gia TNXP khi vừa tốt nghiệp lớp 10. Hưởng ứng cuộc tổng động viên tham gia làm tuyến đường nhựa hữu nghị Việt- Lào dài 25km từ cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) đến Viên - Say (Lào), bà Loan được phân công về tổng đội 572, thực hiện mở rộng đường Xiềm Luông - Na Khao (Lào) dài 10km. Nhớ lại những năm tháng đó, bà Loan kể: Công việc thường ngày của chúng tôi là đào đá 2 bên ta luy đường, gánh đất, mở rộng đường từ 5 đến 7m, khi đêm xuống là tham gia lớp học xóa mù chữ. Tôi học hết lớp 10 nên được phân công phụ trợ giảng bài môn Văn, tôi luôn tìm những câu thơ hay về cách mạng để đọc cho mọi người. Tôi yêu thích nhất câu thơ: “Nước còn giặc còn đi đánh giặc./Chiến trường vang giục bước quân hành...” Chúng tôi luôn lấy đó làm động lực để phấn đấu.

 

Cuối năm 1973, trong một lần làm nhiệm vụ, quân đội Mỹ thả bom qua đoạn đường bà Loan đang làm nhiệm vụ, may mắn tránh được xong áp lực từ quả bom đã ảnh hưởng đến 28% sức khỏe, bà được điều chuyển về miền Bắc. Năm 1975, bà học tại Trường Trung học Kinh tế Bắc Thái (Phổ Yên). Sau 3 năm học, bà về công tác tại Phòng Kế hoạch, Công ty Phụ tùng máy số 1. Hơn 30 năm công tác tại công ty, khi về hưu, bà được Công ty khen thưởng và trao danh hiệu Vì sự nghiệp công nghệ kế hoạch. Về địa phương, bà Loan rất tích cực tham gia các phong trào, công tác xã hội của địa phương, công tác hội phụ nữ, hội người cao tuổi. Đặc biệt, với cương vị Chủ tịch Hội cựu TNXP phường Thắng Lợi, hơn 7 năm kể từ khi Hội được thành lập, với sự nhiệt tình, tận tâm, bà không chỉ xây dựng được các phong trào, hoạt động giúp đỡ, sẻ chia khó khăn với các hội viên, xây dựng chân quỹ giúp cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế mà còn phối hợp với các tổ chức hội tặng quà, xây dựng Nhà Đại đoàn kết cho các hội viên neo đơn, gặp khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Nhiều hội viên như bà Nguyễn Thị Tố Hoan, bà Lê Thị Sắc, ông Nguyễn Văn Liễu, ông Trần Văn Vang có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ. Hội TNXP phường và cá nhân bà Loan luôn nhận được Giấy khen các cấp vì đã có nhiều thành tích trong công tác Hội.

 

Tham gia TNXP, những cô gái mở đường gan dạ, mang trong mình trọng trách của đất nước của ngày ấy, giờ đây, họ vẫn luôn phát huy tinh thần tự chủ, là người mẹ, người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, vẫn phát huy tinh thần gương mẫu, luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.