Ngày 18-12, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh (thuộc Đại học Thái Nguyên) và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông - Lâm nghiệp Việt Nam Chi nhánh phía Bắc tổ chức Hội thảo “Nghèo đa chiều tại Việt Nam”. Đến dự có đại diện các tổ chức, ban, ngành liên quan.
Chương trình giảm nghèo bền vững trong những năm gần đây đã đạt được kết quả đáng ghi nhận và đạt được mục tiêu so với kế hoạch đề ra. Sau 5 năm (2011 - 2015) thực hiện mục tiêu giảm nghèo Quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đến cuối năm 2015 còn dưới 5%. Hệ thống các chính sách giảm nghèo cũng như nguồn ngân sách đầu tư cho giảm nghèo được điều chỉnh, sắp xếp lại theo hướng tập trung, ưu tiên nên đời sống người nghèo được cải thiện đáng kể, điều kiện kinh tế - xã hội vùng nghèo được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục như: tỷ lệ giảm nghèo không đồng đều, tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, có nơi hộ nghèo vẫn chiếm trên 50%... Do vậy, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cần phải có định hướng cụ thể như cách thức tiếp cận giảm nghèo, xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều, các chính sách khuyến khích hỗ trợ để người dân tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo bền vững khẳng định đây là diễn đàn trao đổi thông tin, tăng cường nhận thức về nghèo đa chiều tại Việt Nam. Theo xu hướng nâng mức chuẩn nghèo quốc tế trong giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của Việt Nam sẽ phải nâng cao hơn nữa để đảm bảo mức sống của người nghèo, đồng thời mức chuẩn nghèo cần phải thay đổi tư duy về giảm nghèo, xóa nghèo.
Để xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đồng chí Ngô Trường Thi khẳng định cần thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo.