Hướng đi nào cho các trung tâm cai nghiện?

10:25, 07/12/2015

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 7 trung tâm (TT) cai nghiện và 1 TT Quản lý sau cai với khả năng tiếp nhận 1.300 người nghiện/năm. Những năm trước, các TT này đều hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số người đến cai nghiện tại các TT đã giảm mạnh. Thực trạng này đòi hỏi các TT phải có sự chuyển đổi mô hình hoạt động để phù hợp với tình hình mới.

Được thành lập từ năm 1994, TT Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là nơi tiếp nhận, chữa trị, cai nghiện phục hồi và tổ chức dạy nghề, lao động trị liệu cho người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh. Hơn 20 năm hoạt động, TT đã chữa trị, cai nghiện và dạy nghề cho hơn 8.500 lượt học viên, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong xã hội. Trung bình mỗi năm, TT tiếp nhận và cai nghiện cho trên 400 người. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, số lượng học viên đến cai nghiện tại TT giảm mạnh. Hiện tại TT chỉ quản lý 38 học viên (8 học viên cai nghiện theo dạng bắt buộc, 23 học viên tự nguyện), trong khi số lượng cán bộ của TT là 56 người. Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc TT Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết: Do số lượng học viên cai nghiện quá ít nên hiện nay, toàn bộ diện tích chăn nuôi, trồng trọt phục vụ cho công tác vật lý trị liệu, kết hợp tăng gia sản xuất để tăng cường bữa ăn cho học viên không có người làm, cỏ mọc um tùm. Những công việc trước đây do học viên phụ trách thì nay cán bộ của TT cũng phải đảm nhận để đảm bảo việc làm. Hệ thống nhà cửa, cơ sở vật chất ít sử dụng nên bị xuống cấp nhanh.

 

Cùng tình cảnh tương tự, TT Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện Phổ Yên được đầu tư xây dựng trên 3 tỷ đồng với hơn 20 cán bộ, nhân viên. Công suất thiết kế của TT là 70 người nghiện/năm. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có 16 học viên đang cai nghiện tại TT. Vì có quá ít học viên nên năm 2015, TT đã phải điều chuyển một số cán bộ đi nơi khác làm việc. “Bi đát” nhất có lẽ phải kể đến TT Quản lý sau cai (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Hiện tại 18 cán bộ của TT đang quản lý 7 học viên, trong khi đó TT được đầu tư cơ sở vật chất đủ để đáp ứng cho 200 học viên/năm. Việc thiếu vắng học viên cai nghiện dẫn đến nhiều hoạt động của TT như lao động, dạy nghề bị ngưng trệ. Trước đây, mỗi năm, TT khai giảng từ 2 - 3 lớp dạy nghề, nhưng từ đầu năm đến nay, việc dạy nghề buộc phải dừng lại, bởi theo quy định, để mở lớp, phải có trên 35 học viên.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Khải, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, số lượng học viên đến cai nghiện tại các TT giảm mạnh là do chính sách cai nghiện thay đổi gây nên những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc. Theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP về Quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau đó, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ rồi gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ bút lục và gửi hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện ra quyết định. Tiếp đó, Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội áp dụng biện pháp đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính thủ tục rắc rối như vậy đã khiến cho số lượng đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại TT giảm hẳn. Mặc dù lượng người nghiện trên địa bàn không hề giảm.

 

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trước thực trạng của các TT cai nghiện hiện nay, Sở đã xây dựng kế hoạch đổi mới công tác cai nghiện và chuyển đổi mô hình hoạt động của các TT cai nghiện trên địa bàn cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo kế hoạch, các TT Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội cấp huyện (Đại Từ, Phổ Yên, Phú Lương, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên) và TT Quản lý sau cai của tỉnh sẽ chuyển thành cơ sở điều trị tự nguyện, lồng ghép điều trị nghiện thay thế bằng thuốc Methadon. Còn TT Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh sẽ chuyển thành cơ sở điều trị nghiện đa chức năng, đảm nhận công tác cai nghiện cho toàn bộ những đối tượng theo diện bắt buộc. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này đòi hỏi phải có nguồn đầu tư kinh phí khá lớn vì các TT hiện nay đều đang trong tình trạng xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ cán bộ chưa được chuẩn hóa nên rất cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

 

Theo thống kê, Thái Nguyên là một trong những tỉnh trọng điểm về tệ nạn ma túy của cả nước. Tính đến ngày 31-11-2015, toàn tỉnh có 5.632 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý sinh sống ở 169/180 xã phường, thị trấn. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới tổ chức cai nghiện được cho 973 người (chiếm 17% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý). Đó thực sự là một con số hết sức khiêm tốn so với quy mô đầu tư và khả năng tiếp nhận của 7 TT cai nghiện trên địa bàn. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện trong thời gian tới, góp phần hạn chế tối đa hậu quả của tệ nạn ma tuý, xây dựng môi trường tốt đẹp cho xã hội là vấn đề cấp thiết không chỉ đối với các cấp ngành có liên quan mà còn là mối quan tâm của mỗi gia đình, của cộng đồng và toàn xã hội.