Nhân lên nhiều việc thiện

10:32, 11/12/2015

Theo dõi trên các kênh thông tin, những tháng cuối năm, chúng ta phấn khởi khi thấy rất nhiều thông tin khả quan về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Song, chắc chắn trong lòng mỗi chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở khi thấy trong dòng thông tin xuất hiện nhiều vụ thảm sát rất dã man, tàn bạo, thậm chí giết hại ngay chính những người thân trong gia đình mình.

Những hành vi phạm tội độc ác đó đã trở thành nỗi ám ảnh trong dư luận. Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân, thường là đối tượng gây án trong trạng thái tâm lý bị kích động, mất kiểm soát của ý thức do dùng chất kích thích, do hận tình, cuồng ghen hay thù oán, mâu thuẫn trong gia đình. Cũng có khi đơn giản chỉ là do dục vọng hay tham lam, ra tay cướp của, hiếp dâm, rồi dẫn đến giết người để rồi phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Lại có kẻ dễ dàng ra tay giết người chỉ vì thiếu kiềm chế khi gặp chuyện xích mích không đáng; thậm chí có kẻ vì tiền mà sẵn sàng vung tay đâm thuê, chém mướn... Chung quy lại, căn nguyên của những tội ác đó chính là hành vi mất nhân tính, thiếu đạo đức do không được giáo dục đến nơi đến chốn, thiếu ý thức hướng thiện và lòng nhân ái.

 

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, không ít sản phẩm văn hóa, giáo dục, thông tin, giải trí được người ta tung ra thị trường phục vụ người tiêu dùng chỉ đơn giản là nhằm đáp ứng thị hiếu, chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến tính giáo dục. Do vậy, lớp trẻ rất dễ bị tác động tiêu cực bởi những hành vi bạo lực xuất hiện nhan nhản trong các phim hành động, video clip, game, truyện tranh... Nhiều phụ huynh rất lo lắng khi thấy trẻ em chơi game bạo lực rất quen với những trò xả súng giết người hàng loạt nên không còn biết sợ hãi trước những cảnh tàn sát man rợ, máu chảy đầu rơi. Trong khi đó, văn hóa phẩm có tính giáo dục cao, góp phần rèn luyện nhân cách, vun đắp ý thức và dạy kỹ năng sống có mặt trên thị trường lại rất “khiêm tốn”.

 

Mặt khác, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh chưa quan tâm đúng mức tới con cái, có khi mải kiếm sống, có khi lại chưa gương mẫu, mải hưởng thụ, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu kỹ năng giáo dục con cái. Bởi vậy, hiện nay, một số trẻ em lớn lên bị lệch lạc nghiêm trọng về đạo đức, thiếu tu dưỡng nhân cách, có khi bị rối loạn tinh thần, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc, chỉ chăm lo thỏa mãn nhu cầu bản thân, không biết quan tâm đến những người xung quanh. Từ đó dẫn đến thiếu hiểu biết pháp luật, không có lòng nhân từ, không biết kiềm chế bản thân nên dễ gây tội ác.

 

Trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cũng đã xảy ra một số vụ lộn xộn như học trò đánh nhau hoặc đâm thuê chém mướn…, có khi còn được phát tán trên mạng xã hội nhưng ít người dám lên tiếng vì sợ liên lụy, ngại va chạm. Đó chính là minh chứng của việc thiếu lòng nhân ái của các bạn trẻ, không được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng sống để biết phản ứng đúng trước những hành vi ác độc. Ngay cả một số báo mạng không chỉ vô cảm mà còn sốt sắng khai thác thông tin, diễn tả từng chi tiết, từng hành vi tội ác man rợ gây hiếu kỳ đối với các bạn trẻ, vô tình đầu độc giới trẻ, làm tăng thêm nỗi ám ảnh về những hành vi vô đạo đức trong xã hội, có khi lại dẫn đường cho tội ác.

 

Thực tế cho thấy, nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục công dân sống tuân thủ pháp luật là chưa đủ. Hệ thống pháp luật dù chặt chẽ đến đâu, song có lẽ vẫn còn những kẽ hở. Do vậy, cùng với việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu lực và nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh đẩy lùi cái ác, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm làm sống lại những giá trị đạo đức truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, ý thức hướng thiện của mỗi người trong cuộc sống, nhất là giới trẻ.

 

Ngăn chặn, đẩy lùi cái ác, nâng cao sức đề kháng cho toàn xã hội đang là một vấn đề cấp bách đặt ra, không thể điều chỉnh ngay trong một sớm, một chiều. Trong cuộc chiến chống lại cái ác, nhân lên những việc thiện rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, từ nhà trường đến gia đình và toàn xã hội; quan tâm nghiên cứu điều tra xã hội học về tội phạm để có sự điều chỉnh ứng phó khoa học. Trước mắt, người dân mong muốn các cấp, các ngành chức năng quan tâm sàng lọc những sản phẩm văn hóa, giáo dục, thông tin, giải trí mang tính bạo lực đang lưu hành; xem lại một số lễ hội như đâm trâu, chém lợn... với những hình ảnh phản cảm có nên tiếp tục duy trì?. Các đoàn thể quần chúng cần tăng cường hoạt động tập thể hữu ích, thu hút nhiều hội viên tham gia, góp phần nhân lên những hành vi, cử chỉ đẹp; đẩy lùi những cái ác, thói hư tật xấu; khắc phục tình trạng lệch lạc về nhận thức, lệch chuẩn hành vi ứng xử ở một số đối tượng trong cuộc sống hiện nay.