Nhiều rủi ro với trẻ em trên mạng

09:00, 04/12/2015

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trẻ em.

Những tác hại hiện hữu

 

Theo ghi nhận của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và Dân số (CCIHP), những tác hại của môi trường mạng đã hiện hữu. Đơn cử như trường hợp em NTTL (sinh năm 1995, Thạch Thất, Hà Nội) đã tự tử bằng thuốc trừ sâu do bị bạn cùng lớp ghép ảnh L ăn mặc hở hang rồi post lên mạng và bị bạn bè trêu trọc. Những tác hại của internet ngày càng phổ biến, nhất là các thủ phạm sử dụng internet để thiết lập mối quan hệ với vị thành niên nhằm mục đích lợi dụng tình dục qua mạng hoặc ngoài đời.

 

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) (Bộ Công An), bên cạnh những mặt hữu ích thì công nghệ cũng có mặt trái. Từ năm 2010 đến nay, C50 nhận được hàng chục đề nghị từ cảnh sát quốc tế về việc phối hợp điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em. Đồng thời, C50 nắm tình hình, xác minh điều tra nhiều diễn đàn, đối tượng có hành vi truyền bá hình ảnh đồi trụy trẻ em trên mạng internet. Trong đó nổi bật là hai chuyên án về vụ nhóm đối tượng lập diễn đàn sex trẻ em Lolivet và diễn đàn Vkid.tv.

 

Từ tháng 10/2014, C50 phát hiện diễn đàn Vkid.tv chuyên trao đổi, mua bán phim ảnh khiêu dâm trẻ em đồng tính nam và có dấu hiệu vi phạm điều 253 Bộ Luật Hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Cục C50 đã xác lập chuyên án đấu tranh và khi có đủ tài liệu chứng cứ đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố hai đối tượng chính là Nguyễn Trần Bảo Anh và Nguyễn Lê Việt. Theo kết quả điều tra, diễn đàn Vkid.tv đã chia sẻ, mua bán1.328 phim và 693 album ảnh đồi trụy đồng tính trẻ em nam. Các đối tượng thường xuyên tổ chức các buổi offline (gặp mặt) cho các thành viên diễn đàn, lôi kéo trẻ em nam cùng tham gia tại các bể bơi, nhà riêng hoặc quán game để lợi dụng và có hành vi dâm ô các trẻ em này.

 

Theo C50, phương thức vi phạm của các đối tượng này là mới, làm ảnh hưởng đến nhận thức giới tính của các nạn nhân là trẻ em; các phụ huynh và xã hội chưa nhận thức đầy đủ hệ lụy đối với hành vi dâm ô trẻ em.

 

Mặc dù internet xuất hiện muộn ở Việt Nam nhưng có tỷ lệ tăng trưởng nhanh so với khu vực và trên thế giới. Theo thống kê, đến nay, Việt Nam có hơn 45 triệu người dùng internet, chiếm 48% dân số. Trong đó, số lượng thanh thiếu niên tham gia mạng internet chiếm tỷ lệ khá phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, 14% người dùng công nghệ số ở thành thị và 20% ở nông thôn cho biết đã từng ảnh hưởng, tác động xấu bởi các nội dung bạo lực trên mạng, qua tin nhắn hoặc gọi điện, qua tán gẫu. Trẻ em còn bị tác động xấu bởi nghiện game online và mạng xã hội. Một khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trên 370.000 học sinh, sinh viên thuộc 1.000 trường phát hiện ra rằng đa phần học sinh, sinh viên tại Hà Nội đến các quán Internet để chơi trò chơi 1 - 3 lần/tuần trong 1 - 3 giờ mỗi lần.

 

Ông Phạm Công Hải, đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) cho biết: “Các loại hình tội phạm trước đây đang dịch chuyển dần sang phương thức thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ cao, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em qua mạng như phát tán phim, ảnh khiêu dâm trẻ em qua mạng; đe dọa, tống tiền, lợi dụng mạng internet để làm quen và xâm hại trẻ em... Bọn tội phạm hiện thường thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng Internet, tổ chức các buổi offline thành viên tại nhà riêng, quán game... để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc trẻ em tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp hoặc ép buộc trẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Việc lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để đe dọa, gây áp lực lên trẻ em đang dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ em, thậm chí dẫn đến tự tử.

 

Sẽ cụ thể hóa chính sách luật pháp

 

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cách đây 10 năm, một số tổ chức cũng bắt đầu nghiên cứu những nguy cơ trẻ em có thể bị xâm hại trên môi trường mạng. Cảnh báo nguy cơ đến nay càng trở thành hiện thực. Trẻ em chịu nhiều rủi ro và nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn từ môi trường mạng: bí mật đời tư vô tình hay cố ý tiết lộ những thông tin cá nhân và những kẻ xấu lợi dụng. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em và lừa đảo trẻ em trên mạng cũng gia tăng. Trẻ em tham gia game lập tài khoản ảo và phải trả tiền để tham gia những trò chơi đó. Những tác động của những thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng tới suy nghĩ và nhân cách của trẻ em. Tình trạng bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em từ môi trường mạng sang đời thực.

 

Việt Nam đang xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để bảo vệ trẻ em. Quốc hội Việt Nam trong Kỳ họp thứ 10 thông qua nhiều luật, trong đó có 3 luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí sửa đổi, Luật Trẻ em. Trong Luật Trẻ em cập nhật những nội dung bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng như: Nhà nước bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; xử lý khi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Sau khi luật được Quốc hội thông qua Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp Bộ Thông tin truyền thông ban hành các văn bản để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong môi trường mạng.

 

Để cụ thể hóa những chính sách của Nhà nước, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã xây dựng đề cương Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mục tiêu tổng quát của đề án là mọi trẻ em được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, được hưởng lợi ích từ việc sử dụng tiện ích của internet mà không có nguy cơ. Trẻ em là nạn nhân của các hình thức xâm hại trên môi trường mạng được phát hiện và hỗ trợ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia. Đề án bảo vệ trẻ trên môi trường mạng dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2016 năm 2020.

 

Khẳng định vai trò quan trọng của các quy định pháp lý trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, song nhiều chuyên gia bảo vệ chăm sóc trẻ em cho rằng vai trò của các bậc phụ huynh và nhà trường trong việc đưa ra những biện pháp hiệu quả để kiểm soát và bảo vệ trẻ em khi các em tham gia không gian mạng, đồng thời hướng dẫn, giáo dục trẻ em thói quen ứng xử văn minh, đúng mực trong không gian mạng.