Nơi tình thương tỏa sáng

08:59, 14/12/2015

Hoạt động được gần 4 năm nay, mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên gia Chữ thập đỏ xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) đã trở thành nơi nhân lên niềm vui, làm vơi bớt nỗi buồn và san sẻn những khó khăn. Mỗi ngày qua đi, tinh thần tương thân tương ái trong mái nhà chung ấy lại lớn dần lên, tô đẹp thêm cho cuộc sống. Người sáng lập, duy trì và phát triển tập thể ấy là ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm CLB.

Khi được hỏi, ý tưởng nào khiến ông mong muốn thành lập CLB Liên gia Chữ thập đỏ của xóm, ông Hưng trả lời, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Ông lý giải: Mặc dù chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể ngày càng quan tâm hơn đến đời sống của nhân dân, nhưng người xưa có câu “nước xa không cứu được lửa gần”, nhiều trường hợp chờ người nơi khác đến giúp đỡ sẽ muộn mất. Bởi vậy không gì tốt hơn là anh em, xóm giềng tự giúp đỡ lấy nhau trước. Đặc thù của xóm Làng Phan là hầu hết các gia đình đều cấy lúa, làm chè, trong khi nhân công ngày càng ít do  nhiều thanh niên đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Nếu nông sản làm ra mà cái gì cũng phải đi thuê thì coi như không có lãi. Chúng tôi thành lập CLB để các thành viên có thể hỗ trợ nhau trong cuộc sống thường nhật và cả công việc đồng áng. Qua đó còn giúp mối liên kết tình làng nghĩa xóm được bền chặt hơn.

 

Ý tưởng của ông Hưng đã được chính quyền địa phương ủng hộ. Năm 2012, CLB thành lập gồm 15 tình nguyện viên, hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra. Đến nay, CLB đã thu hút được 31 gia đình sống tập trung ở cụm dân cư Ao Bèo tham gia sinh hoạt. Ngoài các hoạt động thăm hỏi, động viên, chia sẻ công việc với nhau lúc ốm đau, hiếu hỷ, ông Hưng còn thành lập được một đội cơ động của CLB gồm 15 tình nguyện viên (và một số tình nguyện viên dự bị) tuổi đời từ 25 đến 40, có sức khỏe tốt. Đội cơ động có nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó nhanh với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong xóm. Nhờ làm tốt công tác phối hợp với chính quyền cơ sở, đội cơ động của CLB đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh, trật tự ở Làng Phan. Không chỉ vậy, còn nhớ trận lụt năm 2014 khiến xóm Làng Phan mênh mông trong nước lũ. Vợ chồng anh Trần Văn Tân (nhà ở T.P Thái Nguyên) có trang trại chăn nuôi lợn ở xóm không thể có mặt vì đường xá bị nước lũ chia cắt. Khi thấy mực nước lên nhanh vào ban đêm, có nguy cơ ngập chuồng trại của gia đình anh Tân, đội cơ động của CLB đã không đợi chủ nhà có lời nhờ, tất cả tập trung để ứng cứu. Một số tình nguyện viên của đội cơ động đã lùa hơn 500 con lợn rừng từ trang trại lên sân nhà ông Hưng ngay trong đêm. Số còn lại đứng căng lưới B40 chắn không cho lợn chạy ra ngoài. Bảo toàn cho đàn lợn nhà anh Tân xong, các thành viên CLB lại cùng chính quyền địa phương vận chuyển hàng nghìn con lợn của gia đình chị Hoàng Thị Hiền ở cùng xóm lên đồi cao tránh nước.

 

Cũng nhớ lại trận lũ lớn này, bà Phạm Thị Thoa, người dân xóm Làng Phan xúc động: Lúc đó, chồng tôi đang ốm nặng, nước chảy xiết cuốn trôi cả con đường nhỏ dẫn vào nhà, may mà các tình nguyện viên của đội cơ động đã có mặt kịp thời. Vừa “chỉ huy”, bác Hưng vừa cùng mọi người vác từng viên đá, chở từng xe đất để đắp lại con đường vào nhà cho vợ chồng tôi. Ngày hôm sau có thêm các chú bộ đội vào góp sức, con đường đã được kè lại vững trãi. Chưa kể, thời gian chồng tôi nằm viện, tôi phải đi theo chăm sóc ròng rã cả năm trời, nhưng mọi việc ở nhà vẫn đâu vào đấy. Các thành viên trong CLB giúp tôi từ việc chăm bón, đến hái và sao chè. Bây giờ cũng vậy, từ khi chồng tôi mất đi, con cái đi xa, tôi sống một mình nhưng chị em trong CLB thường xuyên đến động viên, trò chuyện, đổi công cho nhau nên tôi không cảm thấy cô quạnh.

 

Ông Nguyễn Văn Hưng sinh năm 1960, sau 4 năm tham gia quân ngũ (từ 1979-1982), ông trở về gắn bó với xóm Làng Phan, cùng vợ phát triển kinh tế gia đình. Kinh qua nhiều công việc, hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động trực tiếp. Bởi vậy mà từ hơn 10 năm trước, ông đã thành lập được nhóm “liên gia đình giúp một gia đình”, chủ yếu để đổi công với nhau trong lúc mùa vụ, giúp tăng năng suất lao động. Mô hình này chính là tiền thân của CLB Liên gia Chữ thập đỏ của xóm đang hoạt động rất hiệu quả. Ông Dương Văn Báo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cổ Lũng nhận xét: Đây là mô hình Chữ thập đỏ giúp đỡ nhau theo hướng bền vững, được cấp ủy, chính quyền xã đánh giá rất cao. Thông qua mô hình đã giúp nhiều người dân hiểu hơn về công tác nhân đạo, từ thiện. Để có được những điều này, công đầu phải kể đến là của ông Hưng - người đứng đầu, lý tưởng sống là cho đi của chú ấy đã truyền sang nhiều người khác. Bản thân gia đình ông Hưng luôn đạt gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.