Vui, buồn nghề lái xe cứu thương

09:31, 12/12/2015

Mỗi lần chứng kiến chiếc xe cứu thương lao vun vút trên đường, cùng tiếng còi hú gấp gáp, ai cũng hiểu trên xe có một người bệnh đang gặp nguy hiểm. Cùng với bác sĩ, y tá điều dưỡng, người lái xe cứu thương cũng luôn phải căng thẳng và chịu áp lực tâm lý đè nặng, trong những hành trình đó, họ trải qua những phút giây buồn, vui mà không phải ai cũng hiểu được.

Chạy đua với… thần chết!

 

Chúng tôi gặp anh Vũ Văn Muộn, Tổ trưởng Tổ xe của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trong căn phòng trực nhỏ của Bệnh viện. Trông anh có vẻ mệt mỏi và thiếu ngủ. Hỏi ra mới biết anh vừa đưa một bệnh nhân bị tai nạn thương tích nặng về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào lúc sáng sớm. Anh Muộn tâm sự: “Công việc của chúng tôi không có giờ giấc cố định, người và xe luôn ở trong tư thế sẵn sàng, hễ có bệnh nhân cần chuyển viện là phải lên đường ngay”.

 

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, anh Muộn là một trong những người có kinh nghiệm nhất ở Tổ xe. Theo anh, điều kiện để trở thành lái xe cứu thương không chỉ là tay lái vững, mà còn phải nhanh nhẹn, biết những kỹ năng cần thiết trong sơ cứu, hỗ trợ bệnh nhân và đặc biệt là phải có thần kinh… thép. Anh Muộn ví von, mỗi chuyến đi như một cuộc đua với… thần chết. Bởi chạy xe nhanh quá, không đảm bảo an toàn thì dễ gây tai nạn, ngược lại chạy chậm một vài phút thôi có khi lại làm mất đi cơ hội sống sót của người bệnh. Ngoài ra, “bác tài” cũng phải thuộc hết địa chỉ các bệnh viện, cơ sở y tế trong suốt hành trình để khi xảy ra tình huống nguy cấp có thể đưa bệnh nhân đến nơi gần nhất để cấp cứu. Anh Muộn kể: Có lần tôi đưa một ca cấp cứu tai biến sản về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Khi lên xe, bệnh nhân đang trong tình trạng mất máu nhiều, sức khỏe rất yếu. Trong đầu tôi khi đó chỉ nghĩ phải tranh thủ từng phút, từng giây để cứu lấy người bệnh, cả hành trình Thái Nguyên - Hà Nội mà chỉ hết có 1 tiếng đồng hồ. Rất may không có sự cố nào xảy ra trên đường và bệnh nhân đã được kịp thời cấp cứu.

 

Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua sinh tử đó, không phải khi nào lái xe và bệnh nhân cũng là người chiến thắng. Anh Chu Quang Đức, lái xe cứu thương của Bệnh viên A Thái Nguyên cho biết: Nhiều trường hợp nặng, khi đang trên đường hoặc vừa tới nơi thì bệnh nhân đã không qua khỏi, những lúc như thế tâm lý của lái xe, bác sĩ điều dưỡng và người nhà đều rất nặng nề. Cách đây vài tháng, tôi đưa một thanh niên nhà ở Phú Lương đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vì bị hơn 100 nốt ong đốt. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân quá nặng, đi đến cầu Thanh Trì thì có hiện tượng xuất huyết ở miệng và co giật, tôi đã chuyển hướng đưa ngay vào Bệnh viện E Hà Nội gần đó nhưng cũng không kịp. Phải chờ làm thủ tục để đưa bệnh nhân về nhà, thời gian và quãng đường khi về trở nên xa hơn rất nhiều so với khi đi.

 

Cũng có những trường hợp đặc biệt hơn, đó là khi người bệnh nhân bị bệnh viện “chê” (không cứu được nữa), gia đình có mong muốn đưa người thân về đến nhà trước lúc qua đời để mọi người nhìn mặt. Khi ấy, lái xe cứu thương cũng phải gấp gáp không kém. Gặp anh Nguyễn Văn Chiến, lái xe cứu thương của Bệnh viên Đa khoa Trung ương Thái Nguyên lúc 9 giờ sáng. Anh bảo: “Bây giờ tôi mới kịp đánh răng và ăn sáng, bởi phải đưa bệnh nhân về nhà ở xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) từ sớm theo yêu cầu của gia đình.

 

Buồn - vui chuyện nghề

 

Nghề lái xe vốn vất vả, căng thẳng nhưng đặc thù của lái xe cứu thương còn áp lực hơn nhiều lần. Đầu tiên là tâm thế luôn luôn thường trực. Anh Triệu Quốc Dũng, lái xe cứu thương của Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ kể: Gần chục năm theo nghề, tôi không nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến cấp cứu. Bệnh viện chỉ có một mình lái xe cứu thương chính nên phải thường trực, nghỉ ở nhà có làm gì hay đi đâu cũng luôn thắc thỏm. Có hôm vừa về đến nhà sau một ca cấp cứu, chuẩn bị lên giường nghỉ thì có điện thoại gọi đến, vậy là lại phải lên đường. Theo anh Dũng, với lái xe cứu thương thì những ngày lễ, Tết là dịp vất vả nhất bởi thường có nhiều trường hợp tai nạn giao thông phải cấp cứu. Có những năm, cả 3 ngày Tết anh không được ăn bữa cơm ở nhà.  

 

Tổ xe của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên có 6 người, phân công trực luân phiên, nhưng những dịp cao điểm thường phải huy động tất cả. Không chỉ vận chuyển, đôi khi họ còn trực tiếp tham gia ứng cứu, hỗ trợ bác sĩ điều dưỡng khi khẩn cấp hoặc bệnh nhân bị co giật. Do vậy, nguy cơ bị phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm như lao, cúm, thậm thí HIV/AIDS… là không nhỏ. Vất vả và áp lực là vậy nhưng đôi khi lái xe vẫn bị người nhà bệnh nhân trách hoặc hiểu nhầm. Anh Nguyễn Văn Hiếu, thành viên Tổ lái xe cứu thương Bệnh  viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên kể: Có trường hợp bị tai nạn thương tích nặng, Bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, hầu hết người nhà đồng ý nhưng một số lại phản đối, cho rằng bác sĩ làm không hết trách nhiệm nên quát mắng to tiếng. Hoặc khi đi trên đường, người nhà bệnh nhân đều có tâm lý muốn đi thật nhanh để cấp cứu. Nhiều người không hiểu rằng, việc đi nhanh, đường xóc có thể khiến bệnh nhân (nhất là tai nạn thương tích) có thể bị nặng hơn, chưa kể nguy cơ xảy ra tai nạn cao gây nguy hiểm cho tất cả mọi người trên xe. Những lúc như vậy, lái xe phải hết sức bình tĩnh để giải thích để người nhà hiểu và thông cảm.

 

Vượt qua những áp lực, vất vả của nghề, niềm vui của những người lái xe cứu thương là giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời và an toàn. Có thể chế độ đãi ngộ vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng những lái xe cứu thương mà tôi gặp đều xác định sẽ tâm huyết và gắn bó với nghề, người ít cũng đã 6 năm, nhiều thì gần 20 năm cầm lái. Với họ, mỗi chuyến xe đưa bệnh nhân đến bệnh viện an toàn, kịp thời là một niềm vui và sự động viên lớn lao bởi đã giúp đỡ được một người giành giật lại sự sống, giúp một gia đình có được hạnh phúc khi người thân được khỏe mạnh trở lại.