Bước tiến dài trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

09:23, 08/01/2016

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước tiến dài trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới việc phục vụ nhân dân với số lượng nhiều hơn và chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn và công bằng hơn.

Các chỉ số sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế như giảm tỷ lệ chết mẹ và tử vong ở trẻ em, đạt mục tiêu về kiểm soát sốt rét và bệnh lao cũng như đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS...; được Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xếp vào danh sách các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP).

 

* Cải thiện rõ rệt các chỉ số chăm sóc sức khỏe nhân dân

 

Theo đó, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi đã giảm nhanh từ 44,4‰ (năm 1990) xuống còn 15,2‰ (năm 2014).Tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm hơn một nửa trong hai thập niên qua, từ 58‰ (năm 1990) xuống còn 23,2‰ (năm 2012) và 22,9‰ (năm 2014).

 

Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã liên tục giảm trong hai thập niên qua. Từ năm 1990 đến 2012, tỷ lệ này đã giảm hơn 2/3 từ 233/100.000 ca đẻ sống xuống còn 60/100.000 ca đẻ sống (năm 2014).

 

Đặc biệt, Việt Nam đã khống chế được tỷ lệ lây nhiễm HIV ở dưới mức 0,3%, thấp hơn mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia giai đoạn 2004 - 2010.

 

Chương trình Quốc gia về phòng, chống bệnh sốt rét đã đạt được kết quả tích cực, đã giảm số ca mắc sốt rét và tử vong do sốt rét gây ra; đã hoàn thành chỉ tiêu liên quan đến kiểm soát bệnh lao; đạt nhiều tiến bộ trong kiểm soát các bệnh dịch nguy hiểm khác.

 

Bên cạnh đó, các thành tựu khác của hệ thống y tế như y học dự phòng đã kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1; công tác khám, chữa bệnh đã phát triển được nhiều công nghệ kỹ thuật cao, ngang tầm khu vực; công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã thực hiện được giảm sinh, kiềm chế tốc độ gia tăng tự nhiên khá nhanh và tương đối vững chắc; bảo đảm đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; nhiều đơn vị trong ngành y tế đã áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý…

 

Theo đánh giá của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đứng vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP).

 

Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, với phương châm đa dạng hóa các hoạt động của ngành, xã hội hóa công tác y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, bao gồm hệ thống y tế hỗn hợp công tư, từng bước thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; xã hội hóa công tác y tế, chăm sóc sức khỏe; ưu đãi các đối tượng chính sách xã hội, đồng thời trợ giúp chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo…

 

Cả nước hiện có có 13.439 cơ sở khám chữa bệnh công, 75 khu điều dưỡng phục hồi chức năng, trên 1.000 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực. Điều đáng ghi nhận là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Các bệnh viện đều được trang bị các loại máy móc dùng trong chẩn đoán và điều trị hiện đại hàng đầu thế giới. Các công nghệ mũi nhọn của y học thế giới đang từng bước được ứng dụng ở nước ta như ghép tạng, mổ nội soi, mổ tim, mổ tách trẻ song sinh, thụ tinh nhân tạo…

 

Mạng lưới y tế cơ sở đã được xây dựng rộng khắp cả nước từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã; từ đồng bằng trung du, các vùng xa xôi hẻo lánh đến tận biên giới hải đảo và đang mở rộng khắp thôn, xóm, bản, làng với 11.544 trạm y tế xã, y tế cơ quan xí nghiệp. Nhờ mạng lưới đó, Việt Nam đã thực hiện được nhiều mục tiêu của Tổ chức y tế Thế giới đề ra.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, y học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ngang tầm với y học của khu vực và thế giới. Ngành y tế Việt Nam ngày càng được quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là các chính sách y tế dành cho người nghèo và cận nghèo được triển khai hiệu quả. Mạng lưới y tế xã, thôn bản là mô hình được nhiều nước học tập. Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong bốn nước có nền y học cổ truyền lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản.

 

* Nỗ lực vượt qua thách thức

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành y tế cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, điển hình là sự chênh lệch đáng kể về các chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền, nhóm dân tộc; là xu hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ; xu hướng già hóa dân số, các dịch bệnh mới nổi tái xuất hiện, các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước về y tế còn chậm; tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện các thành phố lớn còn cao, đặc biệt là tại các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình và sản, nhi. Hệ thống y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và cơ chế chính sách. Hoạt động của hệ thống y tế dự phòng gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư thỏa đáng và mô hình tổ chức của y tế dự phòng thiếu sự gắn kết với hệ thống điều trị nên hiệu quả phòng, chống dịch bệnh chưa cao…

 

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: “Trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2015, một trong những thành tựu mà ngành y tế đạt được là cải thiện được một bước tình trạng quá tải trong điều trị. Điển hình là tại một số bệnh viện Trung ương trước đây như Bệnh viện K, Nội tiết, Nhi, Chợ Rẫy..., bệnh nhân phải nằm ghép 2, ghép 3 một giường, thậm chí phải nằm cả dưới gậm giường thì đến nay có nơi, tình trạng này không còn diễn ra nữa mà thay vào đó, mỗi người một giường, thậm chí có nơi còn có đầy đủ tiện nghi như một căn phòng của một khách sạn”.

 

Toàn ngành y tế thực hiện quyết tâm đổi mới toàn diện thái độ, phong cách của cán bộ y tế, hướng tới làm hài lòng người bệnh và có đột phá về khoa học công nghệ. Việt Nam là một trong rất ít nước trên thế giới có thể tự sản xuất được nhiều loại vaccine và lần đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng vaccine (NRA).

 

Toàn ngành đã tập trung đổi mới cơ chế tài chính gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các bệnh viện cũng như các địa phương tự chủ đầu tư cho y tế theo hướng xã hội hoá, tự chủ và cạnh tranh lành mạnh. Ngành bước đầu thực hiện thành công đề án bệnh viện vệ tinh, tạo cơ hội cho mọi người dân được hưởng các kỹ thuật y học cao; chủ động cung cấp thông tin nhanh chóng, công khai, minh bạch về các sự cố, tai biến y khoa cũng như các chính sách y tế.

 

Trong năm 2016, ngành y tế tiếp tục giảm thiểu thời gian khám chữa bệnh; quyết liệt đổi mới phong cách, thái độ cán bộ y tế làm hài lòng hơn nữa đối với người bệnh. Phải đột phá tiếp phát triển cơ sở hạ tầng. Ngành tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, tiếp tục lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; giao mạnh quyền tự chủ cho các bệnh viện và huy động xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa y tế tư nhân. Ngành tập trung tăng cường khoa học và công nghệ cho y tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác giữa các nước trong khu vực. Song song với tăng cường y tế cơ sở, nhân rộng phổ cập rộng khắp cả nước mô hình bác sĩ gia đình, ngành ưu tiên phòng chống dịch ngăn chặn không cho dịch mới nổi xâm nhập vào nước ta...

 

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế sẽ tập trung ổn định mô hình, hoàn thiện hệ thống y tế theo quy hoạch đến 2025, định hướng 2035 theo hướng thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu quả hoạt động, đầu tư. Ngành tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, giảm chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiếp tục giảm quá tải ở các bệnh viện Trung ương và thành phố lớn.

 

Cùng với đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nguồn nhân lực y tế, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, ngành y tế nỗ lực đổi mới cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình bảo ghiểm y tế toàn dân; phát triển sản xuất và đầu tư, sử dụng có hiệu quả dược, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế. Ngành chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.