Chữa cháy hay gây cháy?

15:33, 09/01/2016

Ngày 6-1-2016, Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực thi hành, trong đó quy định ô tô từ 4-9 chỗ ngồi bắt buộc phải có bình chữa cháy (BCC) mini. Ngay sau khi ban hành, quy định này lập tức trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận...

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hàng loạt vụ cháy nổ phương tiện không rõ nguyên nhân xảy ra thời gian qua, việc lắp đặt BCC trên xe ô tô là cần thiết. Song, rất nhiều ý kiến khác lại bày tỏ sự lo ngại về những hệ lụy từ chiếc BCC mini có thể mang lại...

 

Bình chữa cháy mini: Nguồn gây cháy nổ!?

 

Theo quy định trên, các xe du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống buộc phải có BCC thuộc một trong những chủng loại sau: Bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5 lít, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg. Nếu không trang bị BCC trên xe, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt ở mức 300.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kỹ thuật, trung bình mỗi chiếc ô tô xuất xưởng được trang bị khoảng 400.000 chi tiết, do nhiều hãng sản xuất tại nhiều nước khác nhau. Điều này có nghĩa, khi đưa một chiếc xe ô tô ra thị trường, các nhà sản xuất đã tính toán đến từng chi tiết nhỏ nhất nhằm mục đích cuối cùng là bảo đảm an toàn cho cả người sử dụng và phương tiện. Trong khi hầu hết các nhà sản xuất trên thế giới không bố trí vị trí treo, lắp đặt BCC trên xe thì với quy định mới của Bộ Công an, các chủ phương tiện buộc phải chọn cách thức gia cố, lắp thêm phụ tùng để treo, lắp đặt BCC.

 

Anh Đặng Duy Chung, một chủ phương tiện cho biết: "Để có một vị trí lắp đặt BCC an toàn, nhiều chủ xe phải chấp nhận bỏ ra chi phí không nhỏ. Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu mức thuế, phí xe ô tô vào loại cao nhất nhì thế giới, quy định trang bị thêm BCC trên xe ô tô càng khiến các chủ phương tiện thêm "ngán ngẩm". Nguy hiểm hơn, việc gia công vị trí lắp đặt BCC đã vô hình trung làm thay đổi kết cấu ban đầu của xe khi xuất xưởng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Chưa kể, việc lắp đặt thêm BCC có thể ảnh hưởng đến thao tác, tầm nhìn của tài xế...".

 

Mặt khác, theo các chuyên gia kỹ thuật, BCC thuộc dạng khí nén ở áp suất cao, điều kiện bảo quản rất nghiêm ngặt trong nhiệt độ mát mẻ, trung bình từ dưới 10 độ C đến 55 độ C. Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam, nhất là vào mùa hè, khi phần lớn các phương tiện đều trong cảnh "dầm mưa dãi nắng" do diện tích dành cho giao thông tĩnh trong tình trạng thiếu nghiêm trọng, thì nhiệt độ bên trong xe có thể lên tới trên 60 độ C. Đặc biệt, những vị trí nằm dưới kính xe, chịu hấp thụ trực tiếp ánh nắng mặt trời, nhiệt độ sẽ cao hơn rất nhiều so với ngưỡng "chịu đựng" của các BCC mini. Khi gặp nhiệt độ cao, thể tích các chất lỏng bên trong BCC tăng theo, chỉ cần một va chạm nhỏ, một cú xóc trên đường... cũng có thể xảy ra cháy nổ.

 

Trên thực tế đã có nhiều vụ nổ BCC trên xe ô tô gây thiệt hại nặng nề cho chủ phương tiện. Chưa kể, hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng nếu thời điểm BCC phát nổ, trên xe đang có người. Tuy việc trang bị BCC và những hệ lụy từ nó mang lại còn nhiều phức tạp, nhưng tính hiệu quả của BCC mini không được đánh giá cao. Nhiều người cho rằng, một chiếc BCC mini chỉ "giải quyết" được những đám cháy nhỏ, hoàn toàn "vô hiệu" khi cháy nổ lớn xảy ra. Bên cạnh đó, chất lượng của các loại BCC cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cả người và phương tiện.

 

Cần đồng bộ ngay từ quy định!

 

Cần nhắc lại, trước khi Thông tư 57 chính thức ban hành, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an xem xét lại cơ sở pháp lý và kiến nghị không áp dụng quy định này đối với xe nhập khẩu từ các quốc gia không triển khai. Lý do Bộ GTVT đưa ra là Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, trong đó có quy định cho phép nhập xe cơ giới đã qua kiểm tra, chứng nhận. Bên cạnh đó, những yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới tham gia giao thông tại Việt Nam hiện đã được quy định cụ thể tại nhiều văn bản khác nhau, trong đó có các quy định về PCCC.

 

Ngay cả khi đã chính thức có hiệu lực, việc triển khai thực hiện thông tư này cũng gặp nhiều vướng mắc từ phía các chủ phương tiện và cơ quan chức năng. Theo quy định, việc xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực này thuộc thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát PCCC, tuy nhiên, việc kiểm tra, yêu cầu dừng phương tiện lại thuộc thẩm quyền của CSGT. Do đó, việc hai lực lượng này sẽ phối hợp như thế nào khi tiến hành kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không lắp đặt BCC trên xe ô tô vẫn là câu hỏi chưa có lời giải!

 

Trước phản ứng của dư luận và sự thiếu đồng bộ trong khâu thực hiện, mới đây Bộ Công an đã tạm lùi thời hạn xử lý vi phạm, trước mắt chỉ kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện về quy định lắp đặt BCC trên xe ô tô. Ai cũng hiểu, quy định pháp luật đã ban hành thì phải thực hiện, nhưng thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao mới là điều quan trọng nhất. Dư luận lo ngại, chưa biết quy định lắp đặt BCC trên xe ô tô có mang lại sự an toàn cho người và phương tiện hay không? Nhưng trước mắt, thị trường BCC mini đã "nóng" lên từng ngày với mức giá tăng từ 30 đến 50%/bình và xuất hiện những cơ sở sản xuất BCC giả...