Không xa đâu Trường Sa

15:24, 01/01/2016

Đến Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, ngắm nhìn từng hòn đá, nhũ san hô được chuyển từ huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà về trưng bày phục vụ nhân dân, tôi lặng người, vẳng nghe từ sâu thẳm lòng mình lời bài hát: “Gần lắm Trường Sa” của Huỳnh Phước Long: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng,  Trường Sa lắm xa xôi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương. Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô…”.

Vậy mà ở đây - giữa T.P Thái Nguyên, từng “Đá chủ quyền” của biển đảo Tổ quốc được hiện hữu như một minh chứng thiêng liêng. Dù ở một không gian trưng bày khiêm tốn, vậy mà như bao những đảo đá nổi, đá chìm với tên gọi đầy bão tố: Đảo Đá Tây, đảo Núi Le, đảo Tốc Tan… Hơn 40 ảnh tài liệu, 21 đá chủ quyền được cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chuyển từ Trường Sa về tặng cho cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên từ năm 2012. Một hoạt động đầy ý nghĩa giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc.

 

Cũng từ hoạt động trưng bày ý nghĩa này, khoảng cách từ lòng người nơi đất liền, đặc biệt là với người dân vùng đất nửa đồng, nửa núi Thái Nguyên với cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa như được rút ngắn lại. Trước đá chủ quyền, người đã từng ra Trường Sa và người đang nuôi mơ ước được vượt sóng vươn khơi ra nơi phên dậu cực Đông Tổ quốc, đều có một rung động về tình yêu quê hương. Một rung động thiêng liêng được xuất phát từ đáy con tim mỗi người. Tôi đã gặp ở đây, trước đá chủ quyền những nam - phụ - lão - ấu, ai nấy xúc động cùng hoà chung một nhịp đập của trái tim yêu đất nước, yêu hoà bình. Chị Lê Thanh Huyền, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên cho biết: Tôi có chồng là bộ đội Trường Sa, hằng ngày cả nhà vẫn gặp nhau qua… điện thoại hoặc mạng internet. Nhưng khi được “ngắm” đá chủ quyền và những tấm ảnh tư liệu về Trường Sa, tôi thấy mình thêm yêu Tổ quốc.

 

Vâng! Đã là người Việt Nam, có ai không yêu Tổ quốc mình, nhất là ở nơi ấy, Trường Sa hằng ngày phải gồng mình ngăn sóng dữ đại dương. Và nơi ấy, từ bao đời nay, những con dân đất Việt kế tục nhau cưỡi sóng, đạp gió ra biển khơi làm nhiệm vụ. Đó là những người lính Việt Nam quả cảm, sử sanh ghi lại, cháu con muôn đời nhắc nhớ, noi theo. Giữa biển khơi, một hòn đảo nổi cấp 3 được mang tên người Anh hùng Phan Vinh. Rồi, ở huyện Cam Lâm, bán đảo Cam Ranh, Khu tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã chiến đẩu quả cảm và hy sinh anh dũng trong một trận đánh không cân sức với quân thù.

 

Tôi đã lên đảo mang tên người Anh hùng Phan Vinh và nhiều đảo nổi, đảo chìm của huyện đảo Trường Sa, cùng ngồi bên ấm trà Thái Nguyên, nảy Kiều, vịnh thơ và sẻ chia câu chuyện lòng mình với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Tôi đã theo tàu của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân lênh đênh trên biển dữ, đến neo đậu ở khu vực các đảo Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ và Gạc Ma, cùng cán bộ, chiến sĩ trên tàu làm lễ, thắp hương tưởng nhớ vong linh các Anh hùng liệt sĩ. Và tôi đã chứng kiến những tình cảm thương yêu của những cô gái chung tình gửi thư cho người thân đang yên nghỉ trong lòng biển thẳm. Khi trở về đất liền, tôi kể lại với đồng nghiệp và những người thân của mình: Ngoài đảo xa, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ thừa thãi nắng, gió và bão tố, lòng mỗi người tuy trìu trĩu một nỗi nhớ đất liền, nhưng ai cũng xác định rõ nhiệm vụ thiêng liêng Tổ quốc đặt lên vai.

 

Chia sẻ với bộ đội Trường Sa, từ Thái Nguyên, các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua ý nghĩa, có cùng chủ đề: “Hướng về Trường Sa”. Trong 5 năm gần đây, hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày, tuyên truyền về Trường Sa được các cơ quan chức năng Nhà nước tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược của biển, hải đảo nước ta, đồng thời khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Theo ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh: Từ hơn 3 năm gần đây, đơn vị thực hiện tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày lưu động tại các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình và T.X Phổ Yên và một số trường học, đơn vị quân đội, lực lượng Công an. Triển lãm trưng bày hàng nghìn bản sách, báo về biển, hải đảo Việt Nam; về hành vi vi phạm của nước ngoài trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; 54 bản đồ từ thế kỷ XVI đến Thế kỷ XX của Việt Nam, của các nước phương Tây và của Trung Quốc, 4 Atlat xuất bản tại Trung Quốc và 36 bức ảnh về biển, hải đảo Việt Nam ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, Triển lãm còn giới thiệu với người xem những bức ảnh ghi lại tình cảm thân thương của người dân Thái Nguyên hướng về biển, hải đảo. Các đợt triển lãm, trưng bày đã thu hút được sự quan tâm chú ý của đông đảo người xem.

 

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lê Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Đổ (Phú Lương) cho biết: Cũng như các trường học khác trong tỉnh, Nhà trường có một số hoạt động tuyên truyền về Trường Sa, Hoàng Sa cho học sinh, như: Thi tìm hiểu về Trường Sa, Hoàng Sa; góp đá xây Trường Sa… Đến Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (T.P Thái Nguyên), em Đỗ Thị Mai Trang, học sinh lớp 5 cho biết: Trong năm học, chúng em được tham gia thi viết về bộ đội Trường Sa, thi vẽ về anh bộ đội Trường Sa… Tôi đã được đọc những bài viết ghi lại cảm nhận của các em học sinh tiểu học về bộ đội Trường Sa, văn phong trẻ thơ, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Tôi cũng đã đọc một số bài viết của các bạn trẻ tham gia cuộc thi viết tìm hiểu về biển đảo, do tỉnh Đoàn tổ chức. Tôi đọc được ở đó nghĩ suy sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của lớp trẻ.

 

Nhớ dạo tháng 11-2015, tôi về T.X Phổ Yên xem triển lãm sách, báo, ảnh, tư liệu, bản đồ về Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý được Ngành Văn hoá tổ chức. Hàng nghìn lượt người dân đã đến dự, mọi người trò chuyện với nhau đầm ấm những hiểu biết của mình về Trường Sa, Hoàng Sa, về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đứng trước tấm bản đồ Trường Sa có niên đại từ thế kỷ XVI, ông Trần Văn Nam, 74 tuổi (Ba Hàng) đã giảng giải với cháu nội mình về bài học lịch sử: Đó là câu chuyện về vị vua Lê Thánh Tông nói với triều thần được chép lại trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu không nghe, còn có thể sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.

 

Khoan khoái vuốt chòm dâu bạc, ông tiếp tục nói với cháu mình: Cháu có biết không, năm 1954,  khi về thăm đền Hùng (Phú Thọ), Bác Hồ đã nói trước cán bộ, chiến sĩ Đoàn quân tiên phong: “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”… Nghe ông nói, đứa cháu nhíu mày suy tư, rồi níu tay, dắt ông tiếp tục đi xem những hiện vật, ảnh, tài liệu về Trường Sa, Hoàng Sa được trưng bày tại triển lãm.

 

Câu chuyện giữa 2 ông cháu mộc mạc, vô tư và hồn nhiên, nhưng chất chứa ở đó cả một nền truyền thống, đạo lý yêu nước của dân tộc Việt Nam. Truyền thống, đạo lý ấy như ngọn lửa lòng được truyền từ đời này sang đời khác, ngấm sâu trong dòng máu của con cháu Lạc Hồng. Từ triển lãm, tôi trở về cùng câu hát: “Trường Sa ơi! Biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật, đảo quê hương!... Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh”.