Phản hồi từ cuộc sống

09:38, 24/01/2016

Sau hơn 2 tuần triển khai thực hiện Thông tư số 57/2015/BCA ngày 26 tháng 10 năm 2015 (Thông tư số 57) của Bộ Công an về hướng dẫn trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới lái xe, chủ phương tiện. Tuy nhiên, quy định này đang gặp nhiều ý kiến phản hồi trái chiều của người sử dụng phương tiện, thậm chí một bộ phận người dân còn cho rằng đây là quy định chưa sát với thực tế.

Thông tư 57 hướng dẫn trang bị phương tiện PCCC với xe ô tô có bốn chỗ ngồi trở lên nêu rõ: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ bốn đến chín chỗ ngồi phải có một bình cứu hỏa dưới 4 kg (bình bột) hoặc dưới 5 lít (bình bọt, nước)... Nếu chủ xe cố tình không trang bị bình cứu hỏa, ngoài bị phạt có thể không được cấp giấy chứng nhận khi đi đăng kiểm lại.

Thông tư 57 là một chủ trương nhằm bảo đảm sự an toàn cho chính lái xe và người ngồi trên xe. Việc trang bị bình cứu hỏa trên xe là rất cần thiết, giúp lái xe hay hành khách dễ dàng xử lý nhanh các sự cố liên quan đến cháy nổ, bởi hiện tượng xe đang lưu thông bỗng dưng bốc cháy không còn là chuyện hiếm. Năm 2015 vừa qua đã có tới hàng trăm vụ cháy xe ô tô.

 

Song, từ thực tế triển khai quy định nêu trên, nhiều vấn đề đã nảy sinh như: Trang bị cứu hỏa trên xe ô tô như thế nào mới đúng cách? Quan điểm của các nhà sản xuất ô tô ra sao? Với những xe không thiết kế chỗ đặt bình cứu hỏa phải làm thế nào để không ảnh hưởng đến thao tác, tầm nhìn của lái xe? Bình cứu hỏa phải đạt chuẩn như thế nào để tránh trường hợp cháy nổ đến từ chính bình cứu hỏa?

 

Nhiều ý kiến cho rằng quy định này chỉ nên áp dụng đối với loại xe ô tô chở khách, chở hàng hóa và vật liệu dễ cháy nổ; còn với loại xe ô tô con để bình chữa cháy là lợi bất cập hại. Một số lái xe con bày tỏ việc mua bình chữa cháy chỉ là để đối phó. Bởi nếu đi đường mà xe bị cháy thì phải dừng xe mới có thế chữa cháy được; mà xe ô tô đã cháy thì cháy rất nhanh nên việc trang bị bình nhỏ tác dụng không được là bao. Thực tế các vụ cháy ô tô đều phải chờ lực lượng PCCC hoặc sử dụng các bình chữa cháy lớn để hỗ trợ. Vả lại, nếu mua bình cứu hỏa, nhiều lái xe con đang rất băn khoăn không biết để ở vị trí nào cho hợp lý và thuận tiện sử dụng khi có sự cố xảy ra, lại phải đảm bảo an toàn (vì đa số xe không thiết kế vị trí cho bình cứu hỏa).

 

Theo lo ngại của nhiều lái xe, nhiệt độ bảo quản của bình cứu hỏa tốt nhất là dưới 50 độ C, nhưng nếu để xe ngoài trời nắng, nhiệt độ trong xe có thể vượt mức 55 độ C. Nhiệt độ tăng, làm thể tích các chất bên trong bình cứu hỏa cũng tăng theo. Đến một mức áp suất đủ lớn có thể sẽ gây ra hiện tượng nổ, vô cùng nguy hiểm. Nhiều chủ phương tiện cho rằng, việc trang bị bình cứu hỏa không khác gì mang “bom nổ chậm” và thắc mắc nếu bình cứu hỏa nổ thì cơ quan, tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp bình chữa cháy mini để trong ô tô bỗng dưng phát nổ.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đã luật hóa, quy định bắt buộc xe ô tô phải trang bị bình cứu hỏa thì cũng cần luật hóa việc huấn luyện, đào tạo người lái xe về cách thức sử dụng các thiết bị này. Trên thực tế, có rất nhiều người chưa sử dụng đến loại bình này bao giờ.

 

Người tiêu dùng còn lo ngại, làm sao để mua được bình cứu hỏa đạt chuẩn khi trên thị trường bán rất nhiều loại bình cứu hỏa không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Ngay trong những ngày đầu thực hiện Thông tư 57, cơ quan chức năng đã triệt phá một cơ sở sản xuất bình cứu hỏa giả tại Hà Nội.

 

 Rõ ràng, Thông tư thì đã có nhưng thiếu sự giải đáp với thực tế nảy sinh khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an chưa xử phạt ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên nếu thiếu bình chữa cháy. Trong giai đoạn đầu, lực lượng cảnh sát sẽ chỉ nhắc nhở, tuyên truyền cho chủ phương tiện về Thông tư 57, khi điều kiện phù hợp sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

 

Phải khẳng định rằng, mục đích của Thông tư 57 là hướng tới bảo đảm an toàn tính mạng cho người ngồi trong xe. Việc có bình chữa cháy trên xe cũng góp phần giúp cho người sử dụng phương tiện giao thông cơ giới có phương án, phương tiện kịp thời xử lý cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

 

Thực tế trên thế giới, nhiều quốc gia ở các khu vực phát triển, có công nghiệp chế tạo xe hơi lâu đời chưa có quy định bắt buộc lắp bình chữa cháy trên xe hơi loại dưới 9 chỗ ngồi. Phần lớn đều dừng ở mức đưa ra những khuyến nghị hoặc quy định trang bị dụng cụ y tế và bình cứu hỏa trên xe ô tô chở khách.

 

Việc áp dụng Thông tư 57 đã và đang tác động đến các chủ sở hữu xe ô tô trong cả nước. Có thể nói, việc trang bị thiết bị PCCC ngay trên xe ô tô là việc làm cần thiết, nhất là đối với các loại xe chở khách nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách cũng như chủ sở hữu khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Người tiêu dùng mong muốn Bộ Công an, Cục PCCC cùng các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ tính khả thi của Thông tư khi áp dụng cũng như phản hồi từ thực tiễn cuộc sống. Cần sớm có văn bản hướng dẫn rõ ràng cách lắp đặt bình cứu hỏa an toàn, thuận tiện; hướng dẫn sử dụng; trả lời thỏa đáng người dân về những thắc mắc, băn khoăn bằng các luận cứ, dẫn chứng khoa học. Đồng thời, ngăn chặn hành vi buôn bán bình cứu hỏa kém chất lượng, tránh gây nguy hiểm và để người tiêu dùng yên tâm khi tuân thủ quy định của pháp luật.

 

Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhận thức của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông sẽ chuyển biến. Qua đó giảm tải các vụ cháy, nổ liên quan đến xe ô tô, đem lại sự yên tâm cho người dân khi lưu thông trên đường.