Tối trên đường đi làm về, đến gần Bưu điện tỉnh (phường Phan Đình Phùng. T.P Thái Nguyên), tôi chứng kiến vụ tai nạn. Một phụ nữ trung tuổi ngã sõng soài do đi xe máy vào đoạn đường trơn trượt, túi xách, điện thoại văng tung tóe. Ngay lập tức, rất nhiều người đi đường dừng lại. Họ chạy đến đỡ người ngã, dựng xe máy dắt vào lề đường xem xe có hỏng không, nhặt đồ đưa cho chị. Ngồi một lúc cho bình tĩnh trở lại, người ngã lên xe đi rồi mọi người mới tiếp tục hành trình.
Có ai đó cho rằng, tình cảm con người với nhau ngày càng phai nhạt, sự thờ ơ, vô cảm đang lên ngôi. Riêng tôi khẳng định nhận xét đó không đúng. Bởi tôi nhìn thấy quanh mình vô vàn trái tim nhân hậu như đốm lửa ấm áp, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho người thiệt thòi, không cần phô phang quảng cáo.
Tôi có người bạn tên là Bùi Tường Vi, cán bộ Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Kết bạn với chị tôi mới biết một điều: Chị luôn đau đáu nỗi niềm từ thiện. Bán măng, miến, hạt bí; nhận gói bánh chưng, giao trứng gà, thịt lợn sạch, kiếm chút lãi chị đều quy ra… quà cho trẻ con vùng cao. Vui một điều, chị kêu gọi là có người hưởng ứng nhiệt tình. Ngay như ngày hôm nay (thứ 3, 26-1), chị đề nghị: “Vi đang cần gấp 1-2 bao quần áo cũ còn tốt để chiều thứ 5 gửi lên cho các bé mồ côi tại Trung tâm bảo trợ XH tỉnh Cao Bằng…”, chỉ ít phút, rất nhiều người mang đến quần áo của con cái vợ chồng họ. Bạn Đỗ Khắc Cần (thành viên CLB từ thiện Nụ cười của em) còn vác những bọc quần áo từ nhà cao tầng xuống chất lên xe gửi đi giúp Tường Vi.
Không chỉ có Vi, đâu đâu tôi cũng thấy người làm từ thiện. Bạn Nguyễn Bá Dũng (Cù Vân, Đại Từ) và nhóm “Hạt gạo yêu thương” của mình tổ chức gói 1.000 bánh chưng tặng các gia đình khó khăn và người già vô gia cư. Cũng là Dũng, trong cái rét 7 độ, bạn đi các ngõ ngách trong thành phố tìm người lang thang để cho bánh, cho áo. 12 giờ đêm, các bạn vẫn í ới hỏi nhau (trên mạng) xem có tìm được thêm ai không?
Khó có thể đếm được hết hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có bao nhiêu câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện. Các CLB đều nêu quan điểm: Làm vì cái tâm, không cần ai khen ngợi. Tuy vậy, việc làm của các bạn vẫn được nhiều người biết đến. Như CLB Hoa Sen vàng, sáng Chủ nhật nào cũng nấu cháo tặng bệnh nhân Bệnh viện A Thái Nguyên. Các bạn phải dậy từ 3-4 giờ sáng, lỉnh kỉnh nồi niêu rau thịt, khẩn trương nấu nướng trong cái lạnh thấu xương, để 450 suất cháo nóng hổi đến tay người ăn vào 6 giờ sáng. Bạn Ngọc, thành viên CLB viết trên facebook của mình: Với những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như chúng tôi, thì đây là niềm hạnh phúc khi được mang những bát cháo ấm lòng đến với bệnh nhân, cái ấm đó làm tan chảy nhiệt độ 4 độ C lúc này.
Càng gần đến Tết, càng nhiều tấm lòng hướng đến vùng sâu, vùng xa, nơi còn thiếu nhiều thứ, nhất là cần bánh chưng, thịt mỡ và áo ấm đón xuân.
Vừa trở về từ chuyến tặng quà cho học sinh Trường THCS xã Thanh Định (Định Hóa), bạn Đỗ Quý Hân (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) “khoe” với tôi những tấm ảnh ghi lại nụ cười rạng rỡ của các em khi nhận món quà quý của CLB Từ thiện Nụ cười của em trao tặng. Chủ nhiệm CLB, bạn Đỗ Thảo Ly (phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) cho biết: Mục đích của CLB là hướng về trẻ em. Từ năm 2014, CLB triển khai 2 công việc chính: Trao tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết vấn đề trở ngại phương tiện dẫn đến nghỉ học, bỏ học; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho học sinh nông thôn miền núi, cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết để có thể xử lý một số tình huống rủi ro, nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân hoặc người xung quanh.
Một trong những khoảnh khắc ở Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên
Sang năm 2015, CLB triển khai thêm chương trình "thắp sáng góc học tập", bằng việc tặng bàn học, đèn học cho học sinh nghèo. Đến nay, có hàng trăm người góp sức người sức của cùng CLB, trong đó có trên 50 thành viên “ruột”, sẵn sàng đóng tiền, đi trao quà, tổ chức trò chơi, kéo điện, mắc nước cho người nghèo. Gần nhất là ngày 23-1 vừa qua, CLB đã tặng bàn học, xe đạp, sách vở cho học sinh trường THCS Thanh Định, trị giá 30 triệu đồng. Không chỉ giúp các em về vật chất, CLB còn tổ chức trò chơi nhằm trang bị kiến thức xử lý khi bị điện giật, đuối nước, gặp đám cháy…
Tôi hỏi bạn Hân: - Làm thế nào để duy trì, phát triển CLB đúng mục đích ban đầu đề ra?
- Công khai là quan trọng nhất - Hân trả lời - Thu chi tài chính công khai và đưa thẳng quà đến tay người cần giúp đỡ. Trước mỗi chương trình, một số thành viên trong CLB được phân công đi khảo sát thực tế, tìm hiểu, nắm bắt tình hình cụ thể, lên kế hoạch quyên góp, vận chuyển, trao quà đến từng người.
Không chỉ hoạt động riêng rẽ, các CLB đã liên kết giúp đỡ nhau. Chỗ này cần quần áo ấm mà chưa quyên góp được? Chỗ kia cần mì tôm, gạo muối? Chỗ nọ cần bàn học, sách vở?… các CLB kết nối và sẵn sàng chia sẻ, để “một miếng” thơm thảo đến đúng lúc khi có người đang “đói”.
Đấy là những bàn tay xoa dịu thiếu thốn vật chất, còn có người lại quan tâm xoa dịu nỗi đau tinh thần. Tôi muốn nói đến Dự án Hy vọng do chị Nguyễn Thúy Quỳnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vừa phát động.
Ý tưởng lóe ra từ một bài báo viết về những tấm ảnh nghệ thuật treo ở hành lang Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, nhằm thắp lên hy vọng sống cho bệnh nhân. Chị Quỳnh đã lên trang cá nhân kêu gọi mọi người đến các bệnh viện ở Thái Nguyên chụp ảnh, tặng lại bệnh viện đó để treo ở các bức tường khu điều trị. Chỉ trong thời gian ngắn, có hàng trăm cá nhân, CLB nhiếp ảnh trong tỉnh đề nghị được tham gia dự án Hy vọng của chị Quỳnh. Đặc biệt hơn, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên không chỉ tạo điều kiện để các tay máy vào tác nghiệp ở tất cả các khoa của đơn vị, mà còn hỗ trợ kinh phí in phóng ảnh, triển lãm ảnh tại Bệnh viện.
Nói là làm, gần 50 lượt tay máy đã đến ghi lại công việc lặng thầm của các y bác sĩ nơi đây, ghi lại khoảnh khắc vượt qua nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân để làm ra tác phẩm nhiếp ảnh ý nghĩa. Sự kết hợp giữa thày thuốc và nghệ sĩ sẽ tạo ra liều thuốc đặc trị giúp bệnh mau lành bệnh. Một việc làm chưa từng có ở Thái Nguyên mình.
Nhiều, nhiều lắm, khó có thể kể hết người tốt việc tốt ở quanh mình. Chỉ cần đứng ở góc ấm áp mà nhìn sẽ thấy cuộc đời có biết bao điều đáng yêu và đáng sống.