Bản Tày thay “áo” mới

09:50, 07/02/2016

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi đến với xóm Đầu Cầu, xã Đức Lương (Đại Từ) để hòa chung niềm vui chuẩn bị đón Tết với đồng bào người dân tộc Tày nơi đây. Xóm nhỏ hiện ra khác xa với những khó khăn mà chúng tôi đã từng được nghe kể. Đường vào xóm bây giờ không còn “bé như sợi chỉ”, bao phủ lên những quả đồi đầy lau lách, cỏ dại trước kia là màu xanh no ấm của cây chè, cây keo...

Chúng tôi cho xe chạy trên con đường trải cấp phối uốn lượn, ôm sát những chân núi để vào xóm Đầu Cầu. Giữa màu xanh thẫm của cây rừng, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những cây đào phai đang đâm chồi, nảy lộc và bắt đầu đơm nụ, bung hoa chào đón một mùa xuân mới. Anh Lã Văn Cường, Trưởng xóm Đầu Cầu vừa dẫn đường cho chúng tôi vừa vui vẻ trò chuyện: Toàn xóm hiện có 41 hộ, 162 khẩu, trong đó có tới gần 90% số hộ là người dân tộc Tày. Trước đây, khi con đường cấp phối hiện tại chưa được mở thì cuộc sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn, hầu như mọi sinh hoạt đều phải tự cung tự cấp. Diện tích đất của xóm lúc bấy giờ phần lớn vẫn là những khu đất trống, nguồn lương thực duy nhất là cây lúa nhưng do không được tập huấn khoa học kỹ thuật nên bà con chưa biết cách thâm canh, năng suất lúa lúc đó chỉ đạt khoảng 50kg/sào. Mỗi năm đến thời kỳ giáp hạt là nhiều gia đình lại cần được cứu đói. Cây chè tuy cũng bén rễ ở địa phương từ khá lâu nhưng toàn bộ giống chè bà con trồng đều là chè trung du cho năng suất, chất lượng thấp nên việc tiêu thụ cũng rất khó khăn, giá bán chỉ được từ 40-60 nghìn đồng/kg chè khô.

 

Đến năm 2011, khi Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ và các Dự án hỗ trợ cho đồng bào nghèo vùng dân tộc thiểu số được triển khai tại xóm thì cuộc sống của bà con nơi đây bắt đầu có sự thay đổi. Từ nguồn vốn 135, tuyến đường giao thông toàn dốc cao trước đây đã được hạ thấp, mở rộng và đổ cấp phối bằng phẳng, xe ô tô có thể đi vào đến tận trung tâm xóm. Trẻ em đi học không còn phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới ra đến trường. Hàng năm, cán bộ nông nghiệp huyện và xã vào tận xóm, đến tận nhà để tập huấn khoa học kỹ thuật về nông nghiệp và định hướng phát triển kinh tế cho bà con. Do đó, nhiều giống cây trồng mới, cho năng suất cao đã được đưa vào trồng thay thế giống cây cũ. Hiện tại, diện tích trồng lúa và chè của xóm có khoảng 13ha thì diện tích chè lai, lúa lai chiếm khoảng 2/3. Năng suất lúa giờ đã tăng lên được hơn 2 tạ/sào, nhiều nhà trước đây thiếu ăn giờ đã không còn lo đói, một số nhà còn dư thóc để bán. Việc tiêu thụ chè cũng trở nên dễ dàng hơn, chè khô ngon ở đây đã bán được với giá hơn 200 nghìn đồng/kg (cao hơn nhiều so với trước kia). Cùng với việc được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hàng năm những hộ nghèo trong xóm còn được nhà nước hỗ trợ thêm các dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như tôn sao, máy đốn chè, máy cày…hệ thống kênh mương nội đồng cũng từng bước được cứng hóa, đảm bảo tốt việc tưới tiêu cho đồng ruộng. Từ năm 2011 đến nay, toàn xóm được hỗ trợ 16 chiếc tôn sao chè, 1 máy hút chè chân không, 8 chiếc máy cắt cỏ, 1 chiếc máy cày với tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Chị Lộc Thị Mùa, một người dân trong xóm vui vẻ cho biết: Cách đây hơn 1 năm, gia đình mình vẫn còn là hộ nghèo, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, mình được đầu tư 1 máy đốn chè và 1 tôn sao chè. Do tích cực tham gia chuyển đổi giống cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chè khô nhà mình luôn bán được với giá từ 150 nghìn đồng trở lên, cao hơn gấp đôi so với trước, gia đình mình giờ đã không còn là hộ nghèo nữa.

 

Không còn phải lo cái đói, đồng bào dân tộc Tày ở xóm Đầu Cầu lại càng chuyên tâm vào phát triển kinh tế. Những diện tích đất hoang trước kia giờ được bà con phủ xanh bằng những đồi keo bạt ngàn, hiện nay, toàn xóm có khoảng 60ha rừng sản xuất, đem lại một nguồn thu đáng kể cho bà con. Nếu như trước đây, toàn xóm không có mô hình chăn nuôi tập trung nào thì giờ đã có 2 gia đình chăn nuôi lợn với quy mô 25-30 con/lứa, mỗi năm cho thu lãi hàng chục triệu đồng. Tận dụng lợi thế đồi núi, phù hợp với việc chăn thả gia súc nên gần chục hộ gia đình ở xóm Đầu Cầu đã đầu tư vào việc nuôi dê, đây là vật nuôi đang được ưa chuộng ở địa phương bởi không mất nhiều công chăm sóc mà giá bán lại cao. Hiện nay, tổng đàn dê của xóm có khoảng 100 con. Anh Hoàng Văn Nguyên, người dân ở xóm cho biết: Gia đình tôi nuôi dê được gần 2 năm nay, trong đàn luôn duy trì từ 20 con trở lên, mỗi năm trừ chi phí tôi còn được lãi khoảng 30 triệu đồng từ tiền bán dê.

 

Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của bà con dân bản, xóm Đầu Cầu đã thực sự chuyển mình. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ gần 60% (năm 2011) xuống còn hơn 20%; hiện nay, trên 80% số hộ đã có phương tiện đi lại, nghe nhìn; 100%  số hộ được sử dụng điện lưới và nước sạch đảm bảo vệ sinh, trẻ em được đi học theo đúng độ tuổi… Chúng tôi rời xóm khi sương chiều đã giăng khắp núi rừng, trong từng nếp nhà, dân bản đã cơi lên những bếp lửa hồng để xua đi cái lạnh, vui vẻ sum vầy trò chuyện về những điều tốt đẹp đang chờ họ ở mùa xuân mới.