Công tác tại vùng cao, miền núi, nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, các hủ tục vẫn còn tồn tại, nhưng những thầy thuốc vẫn không ngại gian khó, hết lòng vì bệnh nhân.
Đã 20 năm bác sĩ Nông Văn Ánh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sảng Mộc (Võ Nhai) công tác tại vùng cao. Sinh ra tại xã vùng cao Nghinh Tường (Võ Nhai), từ nhỏ, bác sĩ Ánh đã thấu hiểu sự khó khăn của đồng bào quê mình còn đói ăn, thiếu thuốc men cũng như nhiều cái chết đau lòng khi trông chờ vào thầy mo, thầy cúng. Vì vậy, anh Ánh đã quyết tâm theo học nghề y để chữa bệnh cứu người. Vốn đã quen với cuộc sống vùng cao nhưng thời gian đầu khi về công tác tại quê hương mình, anh Ánh không tránh khỏi những lúc nản lòng: Khi đó, Trạm y tế xã chỉ là một gian nhà gỗ được đồng bào trong xóm giúp đỡ dựng tạm để cán bộ y tế vừa ở, vừa làm việc. Các dụng cụ y tế, thuốc men đều thiếu trầm trọng. Nhận thức của người dân còn rất hạn chế. Họ không tin cán bộ y tế bằng thầy mo, không tin thuốc có thể chữa bệnh tốt hơn lá cây rừng.
Để khắc phục tình trạng này, anh Ánh đã cùng với những cán bộ của trạm xuống tận nhà dân để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về những lợi ích của việc phát hiện và điều trị bệnh sớm, để người dân chủ động đưa người bệnh đến cơ sở y tế. Thời gian đầu, cứ nghe tin ở đâu có người ốm là anh lại đi bộ đến tận nhà, thuyết phục họ để mình chữa bệnh. Dần dần, đồng bào đã quen với hình ảnh bác sĩ trẻ thường xuyên đến nhà thăm khám cho người già, trẻ nhỏ, người đau ốm. Đến nay, hầu hết người dân xã Sảng Mộc đã chủ động đến trạm y tế khám bệnh khi bị ốm. Số lượt khám chữa bệnh đạt trung bình trên 3.300 lượt/năm, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 96%, tỷ lệ sinh đẻ có cán bộ y tế đỡ là gần 97%...
Nói về việc khám chữa bệnh tại Trạm Y tế, chị Lý Thị Phương, ở xóm Nà Lay, xã Sảng Mộc cho biết: Trước đây, mỗi khi có người bị bệnh, gia đình tôi đều phải đi tìm thầy mo hoặc tự chữa ở nhà bằng lá cây rừng, chứ ít khi đưa đến cơ sở y tế. Những từ khi được cán bộ y tế về tận bản tuyên truyền, khám và cấp phát thuốc miễn phí, bà con dân bản đã tin tưởng để đến trạm y tế chữa bệnh. Còn chị Lầu Thị Chơ, ở xóm Khuổi Mèo bảo: Đến hẹn mà mình chưa đưa con đến Trạm Y tế tiêm là bác sĩ gọi điện hỏi ngay. Đứa nào nhà mình đến lúc cần tiêm là bác sĩ đều nhớ và dặn mình đưa con đến tiêm để cháu không bị bệnh.
Còn đối với bác sĩ Vũ Văn Tuyên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Long (Võ Nhai), niềm tự hào lớn nhất trong suốt quá trình công tác ở vùng cao là đã góp phần đẩy lùi được dịch sốt rét. Là người địa phương khác đến công tác tại Võ Nhai, thời gian đầu, anh Tuyên gặp không ít khó khăn trong tiếp xúc, giao tiếp với đồng bào. Anh kể: Trước kia, thói quen sinh hoạt cộng thêm việc không chịu đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh khiến cho Bình Long trở thành một trong những trọng điểm của tỉnh về bệnh sốt rét. Lúc đó, tôi mới về đây làm việc, chưa quen với nếp sinh hoạt và giao tiếp của đồng bào nên gặp rất nhiều trở ngại trong vận động người dân đến cơ sở y tế. Vì vậy, tôi đã đến nhà, gần gũi, trò chuyện và thông qua đó để tự học tiếng Dao, tiếng Tày. Dần đần, giao tiếp với dân bản đã không còn khó khăn, việc tuyên truyền cho bà con nhờ vậy cũng từng bước đạt được hiệu quả.
Cùng với các giải pháp vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, trang thiết bị sẵn có của Trạm Y tế, anh Tuyên đã tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản để vận động nhân dân cách phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh... Trạm Y tế xã thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn tại chỗ hoặc lồng ghép với các chương trình khác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho bà con từ những điều đơn giản nhất như: uống nước đun sôi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi ăn, mắc màn khi đi ngủ đến việc tiêm chủng cho trẻ em, vận động dân bản áp dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, phòng chống dịch bệnh... Từ những nỗ lực và việc làm cụ thể, đồng bào đã dần xoá bỏ những hủ tục trong chăm sóc sức khỏe, tích cực tiếp nhận các chương trình y tế. Năm 2012, Bình Long trở thành xã đầu tiên của huyện Võ Nhai được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế giai đoạn 2011-2020.
Chia sẻ về quyết định gắn bó với sự nghiệp y tế ở xã miền núi Mỹ Yên (Đại Từ), bác sĩ Vũ Hồng Lam, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Yên bộc bạch: Một số người bạn cùng học y trước kia khi biết tôi công tác ở miền núi đều ngỏ ý muốn giúp đỡ tôi chuyển công tác đến nơi có điều kiện hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào miền núi vì nơi đây đã trở nên thân thuộc với tôi như gia đình.
Bác sĩ Ánh, bác sĩ Tuyên hay bác sĩ Lam chỉ là ba trong số hàng trăm cán bộ y tế đang công tác tại 124 xã, thị trấn thuộc khu vực vùng cao, miền núi của tỉnh ta. Trên khắp các nẻo đường ở miền núi, vùng cao, hình ảnh chiếc áo blouse trắng đã trở nên thân thuộc với đồng bào các dân tộc. Dù điều kiện công tác còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhiều nơi còn hạn chế nhưng các chiến sĩ áo trắng vẫn ngày ngày đêm bám xóm, bám bản, tích cực chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc ở địa phương, tuyên truyền cách phòng chống bệnh dịch, kế hoạch hoá gia đình… bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng của mình.