Trong chuyến hải trình gần một tháng từ Quân cảng Cam Ranh đến các đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ở bất kỳ cụm đảo nào chúng tôi cũng thấy có phòng khám chữa bệnh, tủ thuốc, giường bệnh và các y, bác sĩ trong y phục chỉnh tề, sẵn sàng giúp đỡ người bệnh.
Đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, vùng 4, Quân chủng Hải quân chia sẻ: Không chỉ là tuyến đường hàng hải quan trọng trên Biển Đông của Việt Nam, vùng biển xung quanh huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa còn là vùng ngư trường đánh bắt truyền thống của hàng vạn ngư dân cả nước. Vì vậy trên tất cả các cụm đảo đều có lực lượng y, bác sĩ với đầy đủ cơ số thuốc, không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ mà còn kịp thời giúp đỡ ngư dân khi ốm đau hay bị tai nạn trong quá trình đi biển.
Chúng tôi đến Trạm Y tế thị trấn Trường Sa, một trong những địa chỉ quen thuộc của ngư dân gặp nạn khi đi biển đúng vào thời điểm anh Trần Ngọc Quang (32 tuổi, quê ở Nghệ An) tỉnh lại sau ca phẫu thuật dài hơn hai giờ đồng hồ. Tuy vẫn còn mệt nhưng anh Quang xúc động kể lại: Tàu cá của tôi rời đất liền hơn hai tuần và đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa truyền thống thì tôi lên cơn đau bụng dữ dội. Anh em trên tàu đã dùng mọi biện pháp sơ cứu nhằm làm giảm cơn đau nhưng không được.
Trước tình huống bất ngờ và nguy hiểm này, thuyền trưởng đã phát tín hiệu cấp cứu. Nhận được tín hiệu từ tàu cá, lực lượng trực canh của Trạm cứu hộ cứu nạn Trường Sa đã nhanh chóng tiếp cận tàu cá và đưa bệnh nhân vào Trạm y tế thị trấn Trường Sa để cấp cứu. Tiếp xúc với bệnh nhân ngay từ chân cầu cảng Trường Sa, các y, bác sĩ của Trạm y tế thị trấn Trường Sa khẩn trương đưa anh Quang vào Trạm để tiến hành chữa trị. Tại đây, qua chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện anh Quang bị mắc bệnh thoát vị bẹn. Ca phẫu thuật hơn hai giờ đồng hồ được các y, bác sĩ Trạm y tế trên đảo tiến hành khẩn trương, chính xác, nhờ vậy anh Quang đã qua được nguy hiểm.
Bác sĩ Thái Ngọc Bình, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Trường Sa cho biết: Những tình huống cấp cứu như ngư dân Trần Ngọc Quang không phải là hiếm. Trong số hàng nghìn trường hợp cấp cứu, điều trị và cấp phát thuốc tại đây trong những năm qua, bác sĩ Thái Ngọc Bình không bao giờ quên kỷ niệm về trường hợp điều trị cấp cứu cho bệnh nhân Trần Văn Nhân, 40 tuổi, hành nghề xa bờ dài ngày trên tàu cá Quảng Ngãi. Anh Nhân trong chuyến đánh bắt hải sản kéo dài hai tháng liền trên biển bỗng lên cơn đau dữ dội. Do hành nghề ở ngư trường cách xa đảo nên khi tàu đưa bệnh nhân vào đảo Trường Sa, bệnh nhân đã kiệt sức. Ngay lập tức các bác sĩ của Trạm y tế Trường Sa đã chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh viêm phúc mạc ruột thừa. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu thành công trong niềm hân hoan của hàng chục ngư dân trên tàu cá của anh Nhân cũng như cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển.
Trong năm 2015, Trạm y tế trên đảo đã tiếp nhận và điều trị cho trên 2.600 lượt người bệnh, trong đó có trên 600 ca cấp cứu, chủ yếu là ngư dân bị bệnh khi đang làm ăn trên biển.
Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Đỗ Thế Tuyến cho biết: Mỗi năm có hàng trăm lượt trường hợp ngư dân gặp nạn, gặp rủi ro trên biển và nhất là những trường hợp cần cấp cứu và hỗ trợ kịp thời. Nhiều trường hợp tuy không phải bệnh hiểm nghèo nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời tại Trạm y tế trên đảo thì chắc chắn không thể bảo toàn được tính mạng.
Với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, cùng với việc huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, việc giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe y tế cho ngư dân khi gặp rủi ro hay ốm đau được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trạm y tế trên đảo Trường Sa luôn là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của ngư dân, bác sĩ Thái Ngọc Bình chia sẻ./.