Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) đã khẳng định như vậy trước việc từ ngày 1/3/2016, sẽ điều chính mức giá viện phí mới bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù, theo quy định tại Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC về điều chỉnh mức giá viện phí của liên Bộ Y tế - Tài chính.
Mức giá viện phí điều chỉnh trước mắt chỉ áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế và 25% dân số không có thẻ bảo hiểm y tế chưa bị ảnh hưởng.
Thông tư liên tịch số 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của 1.887 dịch vụ giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được thực hiện theo 2 lộ trình.
Đó là mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1/3 và mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương được thực hiện từ ngày 1/7.
Các cơ sở khám chữa bệnh được phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; các bệnh viện tư nhân được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương từ ngày 1/3.
“Việc chia thành 2 đợt (trừ bệnh viện tư được điều chỉnh gộp từ 1/3) điều chỉnh giá dịch vụ y tế để giảm tác động đến đời sống của người dân và chỉ số giá tiêu dùng. Tăng giá ở đây không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây được nhà nước bao cấp cho các bệnh viện vào giá, sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế”, ông Liên chia sẻ.
Thông tư này trước mắt áp dụng cho nhóm người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. Theo đó, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ bảo hiểm y tế không bị ảnh hưởng, bởi đây là nhóm được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khi đi khám chữa bệnh được thanh toán 100%.
Với người cận nghèo, nhóm này đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70%, có địa phương còn hỗ trợ 80-90% để tham gia bảo hiểm y tế. Khi đi khám chữa bệnh họ cũng được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động không nhiều.
Đối với nhóm phải đồng chi trả 20% có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm.
Mặt khác từ ngày 1/1/2015, người tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Liên, trong tương lai, người không có thẻ bảo hiểm y tế cũng phải áp dụng theo mức giá mới, do đó Bộ Y tế khuyến khích người chưa có thẻ nên tham gia bảo hiểm y tế (hiện tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế của cả nước đạt 77%).
Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tạm thời không được điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, giá của các dịch vụ kỹ thuật trên các máy xã hội hóa. Các cơ sở cũng phải công khai phần chênh lệch giữa 2 loại giá: Do bảo hiểm y tế chi trả và các máy xã hội hóa; thực hiện giảm phần chênh lệch phải nộp đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ thay đổi tư duy của cán bộ y tế khi chính bảo hiểm y tế và người bệnh là người trả lương cho mình. Nếu không nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, bệnh viện phục vụ tốt, chất lượng tốt, thì bệnh nhân không đến khám chữa bệnh, không có nguồn tài chính để chi trả tiền lương và hoạt động.
Việc điều chỉnh giá viện phí giúp các bệnh viện có chi phí để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hòa, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa, bàn, ghế, giường, tủ, mua chăn ga gối đệm, phát triển, triển khai các kỹ thuật mới… góp phần nâng cao chất lượng điều trị./.