Với công suất thực tế 600 lít nước ngọt/ngày, công trình máy lọc nước biển thành nước ngọt NT-30 là món quà vô cùng ý nghĩa từ đất liền gửi tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa Đông. Những ưu điểm của thiết bị như nhỏ gọn, dễ tháo lắp, vận hành đơn giản, sử dụng năng lượng mặt trời, có hệ thống giám sát từ xa… hứa hẹn mở ra hướng bảo đảm nhu cầu nước ngọt sinh hoạt của quân dân quần đảo Trường Sa.
Suất phát từ chương trình phối hợp giữa T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Hải quân về phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo giai đoạn 2014-2018 và chương trình hành động “Môi trường xanh cho biển, đảo Tổ quốc” do Tạp chí Trí thức và Phát triển phát động, sau 8 tháng nghiên cứu và phát triển, công trình máy lọc nước NT-30 đã chính thức vận hành, mang lại nguồn nước ngọt quý giá cho đảo Trường Sa Đông.
Kỹ sư Trần Vũ Thành, Trưởng ban Khoa học công nghệ (Tạp chí Trí thức và Phát triển), Chủ nhiệm Dự án cho biết: Thiết bị NT-30 có công suất thực tế 600 lít nước ngọt/ngày, vượt 20% công suất thiết kế, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn 01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành. Thiết bị sử dụng công nghệ lọc màng đa cấp, với khâu lọc cuối là công nghệ thẩm thấu ngược RO, toàn bộ quá trình lọc được xúc rửa tự động liên tục. Để tăng tuổi thọ và chống lại môi trường khắc nghiệt ở vùng hải đảo, hệ thống bơm của NT-30 sử dụng công nghệ của Đức, có khả năng chống ăn mòn, tự động làm mát, xả cặn, đồng thời tiết kiệm 75% năng lượng tiêu hao so với hệ thống bơm tăng áp thông thường. NT-30 chạy bằng hệ thống năng lượng mặt trời, xuất xứ trong nước, đạt đủ các tiêu chuẩn chất lượng, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ngoài ra, thiết bị còn sử dụng giải pháp giám sát từ xa do các kỹ sư phần mềm Việt Nam phát triển. Các thông tin về hoạt động của NT-30 sẽ được thu thập, lưu trữ và truyền về đất liền định kỳ qua hệ thống GPRS. Qua đó, đội ngũ giám sát có thể theo dõi liên tục, kịp thời phát hiện sự cố và hướng dẫn bộ phận vận hành ngoài đảo xử lý.
Trước đó, vào tháng 8-2015 được sự cho phép của Bộ Tư lệnh Hải quân, dây chuyền thiết bị đầu tiên được lắp đặt thí điểm tại đảo Trường Sa Lớn. Sau hai tháng vận hành, thiết bị đã đáp ứng đủ khẩu phần 20 lít nước ngọt/người mỗi ngày. Có thêm nguồn nước ngọt, đời sống chiến sĩ, nhân dân trên đảo được bảo đảm hơn, khí tài, quân trang cũng được tạo điều kiện bảo dưỡng tốt hơn. Ngoài việc sử dụng năng lượng sạch, trong quá trình hoạt động, máy không gây ra tiếng ồn, không thải bất cứ thứ gì có hại tới môi trường, qua đó không ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt trên đảo. Trong quá trình nghiên cứu, thiết kế, điều kỹ sư Trần Vũ Thành và các đồng nghiệp trăn trở nhất là tác động của môi trường. Tuy nhiên, bằng tấm lòng và tình cảm hướng tới quân dân nơi hải đảo biên cương, các kỹ sư cuối cùng đã tìm được cách nâng tuổi thọ hoạt động của máy lên 10 năm. “Sau mỗi 12 tháng vận hành, chúng tôi sẽ cử đội ngũ kỹ thuật ra Trường Sa bảo trì thiết bị, còn lịch sửa chữa, thay thế định kỳ là năm năm một lần”, kỹ sư Trần Vũ Thành cho hay.
Đánh giá về chương trình, PGS, TS Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, khẳng định đây là một đề tài rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh nước ngọt là vấn đề cấp thiết của quân và dân Việt Nam tại các vùng hải đảo nói chung và Trường Sa nói riêng. Thiết bị được lắp đặt và đưa vào sử dụng thành công là minh chứng cho chí sáng tạo, tình cảm lớn lao của các kỹ sư, nhà khoa học gửi tới chiến sĩ, đồng bào tại quần đảo Trường Sa. Mong rằng chương trình vô cùng ý nghĩa này sẽ được nhân rộng trên tất cả các hòn đảo của Tổ quốc ta. Với tư cách là một nhà khoa học, bà cho rằng cần phải khuyến khích các kỹ sư, đặc biệt là kỹ sư trẻ, trong việc nghiên cứu, phát minh ra những sản phẩm phục vụ đất nước như dự án này.
Chiếc máy lọc nước ngọt từ nước biển này là kết quả của sự đóng góp công sức, tình cảm từ nhiều đơn vị. Theo đó, công trình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lên ý tưởng và trực tiếp chỉ đạo, Tạp chí Trí thức và Phát triển chủ trì thực hiện, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội tổ chức thẩm định, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) 4 tài trợ kinh phí chế tạo, Công ty Solar Bách Khoa sản xuất - lắp đặt, Lữ đoàn 146 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (Bộ Tư lệnh Hải quân) vận chuyển, bàn giao cho đảo Trường Sa Đông quản lý vận hành. Với sự phối hợp từ các đơn vị trên, máy lọc NT-30 đã đi vào hoạt động với chi phí 975,7 triệu đồng (không tính các loại chi phí khảo sát, tư vấn thiết kế, thẩm định, vận chuyển, quản lý…).
Thiếu tướng Phạm Văn Sơn, Chuẩn Đô đốc, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân - đại diện đơn vị trực tiếp phê duyệt và hỗ trợ vận chuyển thiết bị ra đảo Trường Sa Lớn - đánh giá cao món quà tượng trưng cho tình cảm quý báu từ đất liền dành cho quân dân quần đảo Trường Sa. Ông cho hay, hệ thống máy lọc nước NT-30 không chỉ bảo đảm nhu cầu thiết yếu về nước ngọt trong khẩu phần hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa mà còn mang lại lợi ích lớn trong việc hỗ trợ ngư dân bám biển.
Chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt NT-30 đã đáp ứng được phần nào nhu cầu nước ngọt dùng trong sinh hoạt của quân và dân đảo Trường Sa Đông. Thành công bước đầu này mở ra hướng nghiên cứu, lắp đặt các hệ thống lọc nước cho các điểm đảo khác trong quần đảo Trường Sa, cũng như các đảo ven bờ chưa có nước ngọt của nước ta. Bên cạnh đó, tính chất nhỏ gọn, dễ sử dụng của NT-30 còn là tiền đề cho ý tưởng trang bị hệ thống cung cấp nước ngọt cho mỗi tàu cá của ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.