Việc tiếp cận nghèo đa chiều nghĩa là từ việc xác định hộ nghèo chỉ dựa vào thu nhập như trước đây, thì từ cuối năm 2015 đã có thêm nhiều tiêu chí khác như: giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội… sẽ giúp mở rộng, nâng cao an sinh xã hội cho người nghèo và hướng tới giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta giảm được 36.668 hộ nghèo. Việc xác định hộ nghèo theo cách tính đơn chiều (dựa vào thu nhập) như trước khiến một số gia đình không nằm trong danh sách hộ nghèo nhưng lại thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, nước sạch, giáo dục... Vì vậy, “Tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 trên địa bản tỉnh” sẽ giúp việc nhận định hộ nghèo toàn diện hơn.Theo đó, huyện Võ Nhai đến nay đã hoàn tất công tác điều tra và rà soát hộ nghèo theo chuẩn mới. Nếu như theo tiêu chí thu nhập thì trung bình hàng năm huyện chỉ có 3.639 hộ nghèo (22,1%). Thế nhưng từ năm 2015, với việc thực hiện theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã tăng lên 6.040 hộ (35,85%).
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, bốn bề gió lùa, bà Dương Thị Hạt (ở xóm Ba Phiêng, xã Dân Tiến) tâm sự: “Gia đình tôi nhờ vay vốn để làm ăn nên kinh tế tương đối ổn định. Thế nhưng hàng chục năm qua, chúng tôi vẫn sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, ngày nắng thì không sao chứ mưa là dột khắp nơi. Chưa kể gia đình lại không có phương tiện để tiếp cận được với thông tin xã hội, nhà tiêu chưa đảm bảo vệ sinh… Vì thế, nếu chỉ dựa thu nhập như trước đương nhiên gia đình tôi không thuộc hộ nghèo”.
Còn đối với hộ ông Hoàng Văn Phùng (ở xóm Lân Vai, xã Dân Tiến), gia đình vừa mới thoát nghèo năm 2014. Công việc chính của các thành viên là làm ruộng, trồng ngô nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Cuối năm 2015, cán bộ xóm đến điều tra và họp bình xét hộ nghèo, thì các hộ đều thống nhất gia đình ông Phùng vì có người thường xuyên ốm đau, bệnh tật… Cũng như Võ Nhai, tỷ lệ hộ nghèo sau khi được rà soát lại theo chuẩn đa chiều của huyện Đại Từ cũng tăng. Ông Đỗ Đình Toàn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh của huyện cho biết: “Khi tiếp cận đa chiều, so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện tăng từ 8,93% lên 16,79% và hộ cận nghèo tăng từ 8,5% lên 12,72%. Tỷ lệ hộ nghèo tăng cao do có nhiều gia đình không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các lĩnh vực khác. Ngược lại, một số hộ khi được cán bộ rà soát, điều tra tài sản thì lại trở thành hộ cận nghèo hoặc thoát nghèo”. Tại xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội, chúng tôi thấy trường hợp như gia đình ông Tô Văn Tuyến nuôi 2 con ăn học, con cái tham gia BHYT, rõ ràng gia đình ông Tuyến đạt chỉ tiêu về giáo dục. Hoặc như hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng, chồng mất sớm, bà làm nghề phi nông nghiệp và nuôi hai con đi học… Nhìn bề ngoài gia cảnh của ông Tuyến và bà Hồng rất khang trang, đầy đủ, thế nhưng nếu đo lường theo 5 dịch vụ xã hội cơ bản thì trở thành hộ nghèo và cận nghèo. Như vậy, có thể thấy, việc xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ góp phần hạn chế bỏ sót đối tượng nghèo, giúp việc xác định hộ nghèo trở nên toàn diện hơn.
Việc chuyển từ xác định hộ nghèo đơn chiều sang tiêu chí đa chiều cho thấy đây là một phương pháp mới, nhận thức mới trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, cũng vì chuẩn nghèo đa chiều mới được ban hành nên công tác điều tra, xác định đối tượng nghèo ở các địa phương đã và đang gặp khó khăn, vướng mắc. Các điều tra viên còn lúng túng vì khái niệm “hộ nghèo” khác về nội dung so với xác định chuẩn nghèo thu nhập như trước. Trong khi, hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành vẫn dựa trên quy định tiêu chí hộ nghèo dựa vào thu nhập; nhiều người dân còn có có xu hướng né tránh, không hợp tác vì theo chuẩn mới nhiều hộ nghèo bỗng trở thành hộ cận nghèo hoặc thoát nghèo…
Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Điều quan trọng là cần thay đổi được nhận thức của cán bộ và người dân địa phương về việc chuyển đổi tiếp cận nghèo đa chiều. Bởi quá trình đánh giá hộ nghèo theo chuẩn đa chiều thường phức tạp hơn, ví dụ, đánh giá chất lượng nhà ở sẽ khó bởi phải xác định mái nhà làm bằng vật liệu gì, diện tích bao nhiêu hay trong tiêu chí y tế, việc xác định đau ốm có người chăm sóc hay không. Điều này sẽ khó tránh khỏi cảm nhận chủ quan, sai lệch của người điều tra. Hơn nữa, một số người dân vẫn còn tâm lý có tiền là thoát nghèo nên không phải lúc nào họ cũng quan tâm tới chỉ số đo lường như BHYT, nước sạch và nhà vệ sinh… Do đó, trong quá trình điều tra, Sở cũng đã chú trọng tới công tác tập huấn, thanh kiểm tra, vận động nhằm nâng cao nhận thức và tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng…”.
“Hiện tại, Sở đang tiến hành rà soát một cách đồng bộ các chính sách, giải pháp để xem chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào cần sửa đổi, bổ sung, không để chồng chéo, làm cơ sở cho quá trình thực hiện, đánh giá chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh”.