Không chủ quan, lơ là với giặc lửa

15:36, 24/02/2016

Ngân hàng, kho bạc là nơi lưu trữ, cầu nối giữa cung và cầu về vốn và là nơi thúc đẩy quá trình tập trung, điều hoà vốn trong nền kinh tế. Bởi vậy, việc đảm bảo an ninh, an toàn trên mọi phương diện luôn là mối quan tâm hàng đầu, trong đó có công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cũng chính vì vậy mà công tác này càng phải được chú trọng từ khâu trang bị đến việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm cho mỗi người.

Những năm qua, công tác PCCC được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh quan tâm và thực hiện khá tốt. Chi nhánh đã thành lập Ban chỉ đạo và Đội PCCC cơ sở; xây dựng 2 bể nước chữa cháy  (mỗi bể có dung tích 120m3), trang bị 2 máy bơm nước, 11 họng nước chữa cháy, 50 bình bột chữa cháy… Trong năm 2015, đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động mới trị giá 1 tỷ đồng và được bảo dưỡng định kỳ. Hệ thống báo cháy hoạt động tốt, các đầu báo có độ nhạy cao, các bình chữa cháy đảm bảo chất lượng...

 

Ông Nguyễn Đình Chi, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Riêng hệ thống PCCC tại đơn vị, nhất là kho chuyên dụng được thẩm định ít nhất qua 3 lần gồm các đơn vị: Cục phát hành kho quỹ (ngân hàng Nhà nước) về thiết kế, đảm bảo an toàn kho quỹ theo quy định của ngành; Phòng Xây dựng cơ bản của Vụ Tài chính; cơ quan Cảnh sát PCCC của tỉnh. Ngoài ra, đơn vị có hệ thống camera giám sát… Công tác PCCC luôn được chúng tôi chú trọng từ việc chỉ đạo, phổ biến, quán triệt đến nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như nghiệp vụ cho các thành viên đội PCCC và cán bộ, nhân viên.

 

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Chi nhánh Thái Nguyên và Kho bạc Nhà nước Chi nhánh tỉnh, công tác PCCC cũng được đặc biệt quan tâm từ việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đến tổ chức kiểm tra định kỳ, các phương tiện chữa cháy được trang bị khá đầy đủ, có sổ theo dõi. Các đơn vị đã lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, trang bị nhiều bình chữa cháy các loại, có bể nước, máy bơm và các họng nước chữa cháy vách tường cùng hệ thống lăng, vòi chữa cháy… Nhìn chung, các bình chữa cháy đều đảm bảo chất lượng phục vụ công tác chữa cháy ban đầu.

 

Tuy nhiên, các đơn vị vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC tại đơn vị mình. Chẳng hạn như tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, năm 2015, đội PCCC của đơn vị này chưa được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định và chưa được kiện toàn. Đơn vị chưa có sổ theo dõi phương tiện PCCC, chưa có biên bản tự kiểm tra hằng tháng của người đứng đầu cơ sở hoặc người được giao phụ trách về công tác này theo quy định, chưa có sổ theo dõi, tuyên truyền, huấn luyện và cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với cơ quan Cảnh sát PCCC. Một số họng nước chữa cháy còn thiếu lăng, vòi hoặc có nhưng đã bị hỏng, kính vỡ. Chi nhánh có 2 máy bơm nhưng một chiếc đã hỏng. Bên cạnh đó, trụ sở cơ quan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1988, hệ thống điện có nhiều phát sinh so với thiết kế ban đầu nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn về PCCC. 

 

Tượng tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Chi nhánh Thái Nguyên cũng chưa có phương án chữa cháy được Cảnh sát PCCC phê duyệt, chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định của Bộ Công an. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống báo cháy không hoạt động do tủ trung tâm báo lỗi. Một số bình bọt chữa cháy để ở nơi chưa thuận tiện, dễ thấy và để các vật dụng khác che khuất…

 

Đại úy Dương Thanh Tùng, Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: Đợt kiểm tra vừa qua cho thấy, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các ngân hàng được thực hiện khá tốt. Lãnh đạo các đơn vị đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo về các mặt như: lập hồ sơ quản lý, thành lập đội PCCC cơ sở, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các cá nhân; trang bị phương tiện PCCC tương đối đầy đủ, bảo dưỡng định kỳ theo quy định, có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Tuy nhiên, nhìn chung các đơn vị vẫn còn một số hạn chế như: một số hồ sơ, tài liệu còn thiếu, chưa đúng với biểu mẫu mới; chưa thật sự quan tâm đến công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về PCCC và việc thực tập phương án chữa cháy chưa được tổ chức kịp thời đúng theo quy định. Những hạn chế trên, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị nhanh chóng khắc phục và sẽ tiến hành phúc tra để công tác PCCC luôn được đảm bảo tốt nhất. Sự an nguy của các đơn vị này ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và nền kinh tế của địa phương nên càng không được phép chủ quan, lơ là với “giặc lửa” bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể để lại hậu quả lớn.