Một nét Tết quê

08:57, 08/02/2016

Với mỗi người dân Việt Nam, Tết là dịp để mỗi chúng ta cùng hướng về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, hướng về gia đình, mong ngày sum họp cùng nhau bên mâm cơm tất niên đầm ấm để chờ đón phút giao thừa thiêng liêng.

Nhớ lại những năm 90 của thế kỷ 20, khi đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không khí chuẩn bị đón Tết ở các vùng quê thật vui. Nhà nhà, người người trong những ngày giáp Tết đều tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa. Từ trước ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, nhiều gia đình đã quét vôi lại tường cũ. Sân vườn cũng được quét dọn sạch sẽ. Với mỗi gia đình Việt, ngày Tết, quan trọng nhất là trang trí, bày biện ban thờ ông bà, tổ tiên. Bàn thờ được lau chùi sạch sẽ, chân nhang cũng được dọn bớt đi, mâm ngũ quả, lọ hoa, bánh mứt kẹo được bày biện ngay ngắn.

 

Cứ mỗi dịp Tết đến, nhà nhà ở các vùng quê Việt lại rôm rả chuyện đụng lợn. Một con lợn vài chục cân, được 4 đến 8 nhà chung nhau. Cách chia phần thịt được gọi theo “chân”, tức 1/4 con lợn. Mỗi nhà một chân, hay nửa. Tùy vào số cân nhiều hay ít mà mỗi nhà trả tiền tương ứng cho gia chủ.

 

Thường lợn “đụng” được xẻ thịt trước Tết độ hai ngày, để kịp lấy thịt gói bánh chưng, làm giò chả và nấu đông. Lúc đó, không khí Tết mới thật là rộn ràng. Cả chục người nói cười rôm rả. Cánh đàn ông người đun nước, người cạo lông, người làm lòng. Phụ nữ thì chuẩn bị rổ rá, thúng mủng, lá chuối đựng phần.

 

Rồi đêm 28, 29 Tết ngồi trông nồi bánh chưng, lửa nồng đượm, nổ tí tách, mùi khói bếp làm mũi cay cay, soi tỏ mặt, cả gia đình quây quần, trò chuyện. Ngọn lửa trong thời khắc chuyển giao ấy như mang một ý nghĩa thiêng liêng, là sự mong mỏi, cầu nguyện cho năm sau người thân lại được khỏe mạnh, an lành mà ngồi bên nhau như thế.

 

Ngày 30 Tết, bỏ lại bao vất vả, lo toan trong một năm, ai ai cũng đều mong muốn ở bên gia đình, để đón một cái Tết đầm ấm, sum vầy. Trưa mùng 1, ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ bắt đầu đi chúc Tết từng nhà. Rồi cứ thế, ở mỗi nhà, sẽ lại có thêm một hai hoặc ba người hòa cùng đoàn khách đi chúc tết các nhà khác. Hết xóm mình ở, sẽ sang các xóm khác. Trẻ con xúng xính quần áo mới, người lớn rôm rả trò chuyện, có khi đi cả ngày mới hết những nhà, xóm lân cận.

 

Ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, song không khí tất bật, rộn ràng, hương vị ấm áp của Tết quê truyền thống vẫn được trân trọng, giữ gìn như một phần trong trẻo của tâm hồn. Như nhiều gia đình khác, gia đình bà Nguyễn Thị Hàn, Đông Anh, Hà Nội cùng các con cháu chuẩn bị Tết từ ngày tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Những đồ khô như: măng, miến, mộc nhĩ, gạo, đỗ... được bà và các con dâu sắm sửa từ trước. Bà Nguyễn Thị Hàn cho biết: Cả năm, con cái đều đi làm ăn xa, mỗi dịp Tết đến xuân về, gia đình bà mới được đoàn tụ đông đủ. Vì vậy, Tết năm nào bà cũng nuôi một đàn gà, dành những chum gạo nếp thơm ngon nhất để chờ các con về cùng gói bánh chưng.

 

Bây giờ, dù cuộc sống có đủ đầy hơn xưa, nguồn thực phẩm dồi dào nhưng năm nào gia đình bà Nguyễn Thị Hàn cũng giữ tục lệ “đụng” lợn vào mỗi dịp Tết. Bà Hàn cho rằng, “đụng” lợn là để tạo không khí vui tươi, rộn ràng trong ngày Tết, hơn nữa đây cũng là cách để bà nhắc nhở con cháu về nguồn cội, về nét đặc sắc trong văn hóa Tết ở mỗi vùng quê.

 

Tết về trên những vùng quê vẫn rộn ràng với những phiên chợ Tết tấp nập người mua bán, kẻ bán, với tiếng cười nói khắp xóm làng của đám trẻ con. Cuộc sống thời hiện đại chẳng thiếu thứ gì, nhưng cứ đến phiên chợ cuối cùng trong năm là nhà nhà, người người đều đến chợ như để tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người.

 

Bà Ngô Thị Thư, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội chia sẻ: Do quá trình đô thị hóa nên những phiên chợ quê ngày nay thay đổi theo từng ngày. Những phiên chợ vào dịp Tết thường đông vui, nhiều mặt hàng và cũng mang tính chất thương mại cao hơn, nhưng vẫn còn những nét cổ xưa được giữ lại cho đến hôm nay. Mọi người đi chợ Tết để tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết. Cũng có người đến chợ chỉ để tìm cuộn lá dong hay vài thứ cần thiết khác, nhưng quan trọng là để tìm lại không khí Tết xưa của những phiên chợ quê.

 

Dẫu đời sống hiện đại vẫn đã có nhiều đổi thay, nhưng những hương vị của Tết quê truyền thống với bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; với không khí gia đình quây quần, sum vầy; với những phiên chợ Tết quê tấp nập đã trở thành một thứ tài sản quý giá mà mỗi người Việt luôn trân trọng, gìn giữ. Và có một điều rằng, hình như càng đi lên hiện đại, người ta lại có nhu cầu tìm về và phục dựng cái truyền thống, bởi hơn bao giờ hết con người luôn muốn tìm lại nguồn cội tự nhiên của mình, khẳng định nguồn gốc cộng đồng và bản sắc văn hoá của mình trong cái chung của văn hoá nhân loại.