Người phụ nữ “vác tù và” ở Đồng Tâm

09:53, 20/02/2016

Chị là một trong những đại biểu được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương Người dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2015. Chúng tôi khá ấn tượng với những thành tích của chị như: Được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen; nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ”; duy trì và phát triển hiệu quả nhiều phong trào…

Chị Lưu Thị Văn, người dân tộc Hoa, ở xóm Đồng Tâm, xã Đồng Liên (Phú Bình) ấn tượng với người đối diện bởi sự nhanh nhẹn, hoạt bát và lối nói chuyện cởi mở, dễ gần. Quê chị Văn ở huyện Phú Lương, chị về làm dâu tại xóm Đồng Tâm từ năm 1994. Sau 5 năm tham gia sinh hoạt Chi hội Phụ nữ xóm, đến năm 2000, chị được chị em tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ cho đến bây giờ.

 

Xác định để làm tốt công tác phụ nữ của xóm, trước hết, phải chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh nên từ khi nhận công tác này đến nay, chị Văn luôn giữ thói quen là hễ có thời gian, chị lại đến từng gia đình hội viên và cả những chị em chưa tham gia sinh hoạt Chi hội để trò chuyện, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời vận động họ vào tổ chức Hội. Bằng việc làm cụ thể, sự khéo léo và  nhiệt tình, chị Văn đã có được niềm tin yêu, quý mến của chị em phụ nữ xóm Đồng Tâm. Trung bình mỗi năm, Chi hội của chị phát triển được từ 3-5 hội viên mới, nâng tổng số hội viên từ dưới 50 người lên 75 người.

 

Hơn 10 năm làm công tác phụ nữ, chị Văn không chỉ triển khai hiệu quả nhiều phong trào do Hội cấp trên phát động mà chị còn tích cực vận động hội viên học tập và làm theo tấm gương của Bác. Trong đó, việc làm được chị đánh giá là có ý nghĩa thiết thực nhất là vận động chị em thực hành tiết kiệm, xây dựng quỹ của Chi hội. Với mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016, chị Văn đã vận động mỗi hội viên đóng góp 150 nghìn đồng/nhiệm kỳ để xây dựng quỹ. Số tiền này chủ yếu ưu tiên cho những hội viên nghèo vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Từ khi thành lập quỹ đến nay, đã có 6 lượt chị em được vay vốn để đầu tư vào việc chăn nuôi, trồng trọt. Trong quá trình cho vay, chị Văn đã thường xuyên đến thăm hỏi, vừa để động viên, hướng dẫn cách làm ăn, vừa bảo đảm việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Chị Vũ Thị Minh, một hội viên cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nhờ Chi hội Phụ nữ xóm tạo điều kiện, tôi được vay 6 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi, đến nay, cuộc sống gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn rất nhiều.

 

Không chỉ học Bác tính tiết kiệm, chị Văn còn cùng với các hội viên học ở Người tinh thần tương thân tương ái. Chị em nào có hoàn cảnh khó khăn hay gia đình có việc lớn đều được chị Văn vận động hội viên chung tay giúp đỡ bằng ngày công lao động, chia sẻ việc nhà, quyên góp vật chất hay có khi chỉ đơn giản là những lời động viên tinh thần… Những việc làm ấy tuy giản dị, nhỏ bé nhưng đã thể hiện được tình cảm gắn kết giữa các chị em trong chi hội. Chị Nguyễn Thị Uyên, một hội viên cho biết: Cuối năm 2015, chồng tôi qua đời vì tai nạn giao thông, nhờ có chị Văn và các chị em trong Chi hội thường xuyên đến nhà trò chuyện động viên, giúp đỡ việc đồng áng nên đã giúp tôi sớm ổn định tinh thần để lo cho các con.

 

Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, chị Văn đã tích cực vận động hội viên tham gia hưởng ứng nên Chi hội Phụ nữ của xóm Đồng Tâm có nhiều đóng góp đáng kể vào phong trào này. Đưa chúng tôi đi dạo trên con đường bê tông phẳng phiu chạy quanh xóm, chị Văn cho biết, trước đây, đường của xóm vốn nhỏ và khó đi, khi có chủ trương làm đường giao thông, chị đã dành nhiều thời gian để cùng Ban công tác Mặt trận xóm đến các nhà để vận động đối ứng và hiến đất mở rộng đường. Riêng Chi hội Phụ nữ thì hầu như cuộc họp nào chị cũng đưa vấn đề này ra tuyên truyền và phân tích lợi ích của việc làm đường để chị em hiểu, ủng hộ. nhờ vậy đã có hàng chục gia đình hội viên phụ nữ tham gia hiến đất với tổng diện tích là trên 3.000m2. Đến nay, 100% tuyến đường trục chính của xóm đã được mở rộng, bê tông hóa, giúp việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn.

 

Trước khi chia tay, chị Văn tâm sự với chúng tôi: Làm nghề “vác tù và” này cần nhất là sự nhiệt tình và được gia đình thấu hiểu, ủng hộ. Tôi may mắn có được cả 2 điều đó nên tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đưa phong trào phụ nữ ở địa phương phát triển mạnh hơn nữa”.