Những hy sinh lặng thầm

09:26, 09/02/2016

Đêm giao thừa, khi ngoài đường phố dòng người đang tấp nập ngược xuôi thì trong Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng hối hả không kém. Những cơn đau vật vã, sự căng thẳng lo âu và những giọt mồ hôi lặng lẽ của các y, bác sĩ đang từng giây, từng phút giành lại sự sống cho người bệnh là điều tôi đã ghi nhận được trong thời khắc chuyển giao sang năm mới.

Đã hẹn từ trước, nên tôi có mặt tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên lúc 20 giờ ngày 29 Tết. Phụ trách kíp trực là bác sĩ Hà Đức Trịnh, Phó phòng Hành chính - Quản trị, cùng cùng bác sĩ trẻ Lâm Văn Tài. Lúc này, trong Khoa khá vắng vẻ nên mọi người có thời gian cùng ngồi trải lòng tâm sự.

 

Bác sĩ Hà Đức Trịnh thông tin: Kíp trực gồm 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng viên, trực liên tục 24 giờ bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng. Trong ngày hôm nay chúng tôi đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân gồm cả khám, phân loại và cấp cứu. Trong đó, hai trường hợp tử vong do tình trạng bệnh khi đưa vào đã quá nặng, phân nửa số vụ là tai nạn giao thông. Là người có 9 năm liên tục trực tại Khoa Cấp cứu trong đêm giao thừa, anh Trịnh nhận định: Thường thì vào tối tất niên, số vụ tai nạn giao thông đưa vào bệnh viện chưa nhiều bởi mọi người đi lại còn cẩn thận, kiêng kỵ khi năm mới sắp sang. Đến khoảng mùng 2, 3 Tết thì số vụ tăng đột biến bởi lưu lượng tham gia giao thông lớn, nhiều người đi thăm họ hàng ở xa và thường uống rượu bia nên không làm chủ được tay lái.

 

Là bác sĩ trẻ nhưng từ khi vào làm việc tại bệnh viện (năm 2013) đến nay, Lâm Văn Tài cũng đã 3 năm liên tục trực tối giao thừa. Anh tâm sự: Mới đầu tôi cũng thấy có chút chạnh lòng khi thời khắc thiêng liêng của cả năm lại không được ở nhà cùng gia đình. Tuy nhiên, làm lâu rồi cũng thành quen và gắn bó với công việc. Cũng là những công việc thường nhật nhưng trực trong đêm giao thừa cảm xúc luôn thật khác lạ. Anh em trong kíp trực đều bảo nhau làm việc thật trách nhiệm và khẩn trương, mong sao bệnh nhân có thể được xuất viện ngay để kịp đón giao thừa ở nhà.

 

Ngồi trò chuyện, điều dưỡng Đào Văn Cậu kể cho tôi nghe năm ngoái anh đã đón giao thừa trên xe cứu thương. Đó là trường hợp một chiến sĩ công an bị chấn thương sọ não, nhập viện trong tình trạng rất nặng nên phải chuyển ngay về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Đáng tiếc là bệnh nhân đã không thể qua khỏi. Chị Lê Thị Ngọc Hà, điều dưỡng viên của Khoa tâm sự: Từ 3 năm nay, năm nào tôi cũng trở về nhà vào trưa ngày mùng 1. Đối với điều dưỡng viên thì thường được nghỉ một ngày rồi lại phải trực tiếp vào mùng 2 nên tôi chỉ kịp nghỉ ngơi chút rồi đi chúc tết một vài gia đình họ hàng ở gần.

 

Gần 22 giờ, trong Khoa vẫn khá vắng vẻ, các y, bác sĩ mừng vì công việc ít cũng có nghĩa mọi người khỏe mạnh, được đầm ấm bên gia đình. Bỗng nhiên có tiếng còi xe cứu thương gấp gáp rồi dừng lại trước cổng Bệnh viện. Ngay lập tức, chiếc băng ca được các y, bác sĩ đẩy đến để đón bệnh nhân. Xen lẫn trong bước chân vội vàng của các thầy thuốc là tiếng khóc, những giọt nước mắt trên khuôn mặt lo âu, phờ phạc của người nhà. Bệnh nhân là ông Pham Duy Tính, 70 tuổi, trú tại tổ 14, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên). Ông bị viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính, đã nằm điều trị ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh được hơn 1 tuần, nhưng do bệnh diễn biến xấu khiến ông không tự thở được nên phải chuyển lên Khoa Cấp cứu. Ngay lập tức, bác sĩ Hà Đức Trịnh và các điều dưỡng viên thực hiện các biện pháp hỗ trợ thở và hút đờm dịch trong phế quản. Theo nhận định, đây là trường hợp nặng, có nguy cơ tử vong rất cao nếu không có sự can thiệp kịp thời…

 

Chưa kịp ngơi tay, Khoa tiếp tục nhận thêm một bệnh nhân nữa bị tai nạn thương tích. Đó là trường hợp anh Đào Minh Tân, dân tộc Tày, ở xã Phúc Lương (Đại Từ) nhập viện trong tình trạng bê bết máu và vết thương rất nặng ở vùng bụng. Người đưa anh Tân đến bệnh viện là anh Bùi Thế Vương cho hay: Buổi tối tất niên, nhóm công nhân của Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên chúng tôi có tổ chức ăn tất niên ngay tại công trường. Trong lúc chuẩn bị đồ ăn, anh Tân có bị trượt chân ngã úp mặt nên bị con dao anh đang cầm trên tay đâm thẳng vào bụng. Mọi người tại đó chỉ kịp bịt tạm vết thương bằng vải rồi thuê xe chuyển đi ngay. Do mất máu và tổn thương nặng nên các bác sĩ đã sơ cứu và chuyển ngay về Khoa Chấn thương, với trường hợp này nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

 

Làm xong thủ tục chuyển khoa thì ngoài cửa lại có tiếng xe phanh gấp, đó là một ca tai nạn giao thông. Nạn nhân là vợ chồng chị Nguyễn Thị Thịnh (sinh năm 1989) và anh Phạm Văn Thành (sinh năm 1984) tại xã Cổ Lũng (Phú Lương) đều bị trầy xước nhiều vết khắp cơ thể. Những người đưa đến cho biết: Khi tối anh Thành có uống rượu trong bữa cơm tất niên ở nhà họ hàng, khi trở về do không làm chủ được tay lái nên đã va chạm với chiếc xe ô tô đi cùng chiều tại khu vực ngã ba Bờ Đậu. Rất may cậu con trai ngồi trên xe máy chỉ bị đau nhẹ. Bác sĩ Lâm Văn Tài chia sẻ: Chúng tôi gặp không ít những trường hợp nhập viện trong tình trạng hơi men nồng nặc, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày như thế này…

 

Trong thời gian ở cùng kíp trực, tôi chứng kiến thêm một số vụ tai nạn giao thông khác nhập viện. Số lượng bệnh nhân đông nên có thêm bác sĩ tại Khoa Chấn thương điều động đến để hỗ trợ. Mọi người miệt mài làm việc, chẳng ai để ý đến thời khắc chuyển giao sang năm mới đã điểm. Với các y, bác sĩ, dù là giao thừa thì cũng giống như bất kỳ thời điểm khác trong năm, họ luôn tranh thủ từng giây, từng phút để kịp thời cứu sống người bệnh.