Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp (KCN) phát triển nhanh về số lượng và quy mô; thu hút và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) tại các KCN. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được tăng cường; các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của công nhân phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ CNLĐ ở các KCN chưa đáp ứng nhu cầu. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của CNLĐ; môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm xây dựng. Một số công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội.
Nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất” (Chỉ thị số 52-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể là: Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nội dung Chỉ thị số 52-CT/TW, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận của xã hội; vận động, tập hợp công nhân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của CNLĐ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng và phát triển lối sống văn hóa, kỷ cương, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa cho CNLĐ các KCN. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu qủa hoạt động của tổ chức công đoàn; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của công đoàn ở cấp cơ sở, trên cơ sở; quan tâm phát triển tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình về xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định có liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc thực hiện./.