Đối với bà con vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở các xóm, bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản (YTTB) đóng vai trò như những thầy thuốc thực sự, luôn hết lòng vì sức khỏe nhân dân. Tuy không làm trong các bệnh viện, trạm y tế nhưng họ là người tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế, sơ cứu ban đầu, tham gia thực hiện các chương trình y tế quốc gia... tại thôn, xóm, bản.
Bà Nguyễn Thị Khánh, xóm Mấu (xã Phượng Tiến) cho biết: Cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi hoặc bị ho, bà lại bảo con cháu nhờ cháu Nguyễn Thị Sơn, là nhân viên YTTB ở trong xóm đến khám, đo huyết áp cho bà. Do nhà cách Trạm Y tế xã những 7km nên khi có ai trong nhà bị ốm đau, điều đầu tiên gia đình nghĩ tới là đi nhờ cháu Sơn YTTB đến khám. Cháu Sơn rất năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm. Cứ mỗi khi xã có đợt tiêm chủng, cháu Sơn lại đến tận nhà để tuyên truyền lợi ích của việc tiêm chủng và nhắc lịch tiêm hằng tháng cho gia đình biết... Không riêng bà Nguyễn Thị Khánh, nhiều hộ dân ở xóm Mấu cũng đều rất tin tưởng và coi chị Nguyễn Thị Sơn, YTTB của xóm như một bác sỹ thực thụ mỗi khi gia đình có ai đó bị ốm đau, bệnh tật. Ông Nguyễn Thanh Hòa, cùng xóm Mấu nhận xét: Chị Sơn là người con trong xóm nên chị rất sâu sát với tình hình của xóm. Chị thường đến nhà các hộ dân, nhất là những hộ có người cao tuổi như gia đình tôi. Nhờ được chị đo huyết áp thường xuyên nên tôi mới biết và điều chỉnh ăn uống cho phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Sơn, nhân viên YTTB xóm Mấu (xã Phượng Tiến) chia sẻ: Từ năm 2007, tôi được cử đi đào tạo lớp sơ cấp về y tế 3 tháng để trở về làm nhiệm vụ cảu một YTTB. Sau đó, tôi lại được tiếp tục học 6 tháng lớp điều dưỡng tại Trường Cao đảng Y tế Thái Nguyên để có thêm kiến thức chuyên môn về ngành y, góp phần phục vụ nhân dân tại cộng đồng được tốt hơn. Hằng tháng, tôi đều ra Trạm Y tế giao ban, nghe phổ biến kế hoạch trong tháng. Căn cứ vào kế hoạch đó, tôi về triển khai tại xóm thông qua các buổi họp xóm hay sinh hoạt tại các đoàn thể, có khi là tại một nhóm bà con đang tập trung lao động ngoài cánh đồng... Trong suốt 9 năm đảm nhận nhiệm vụ, tôi luôn tận tâm với bà con trong xóm. Nên cứ có ai bị ốm đau một tý, bà con lại gọi đến. Điều này khiến tôi cảm thấy vui vì được bà con tin tưởng.
Hiện nay, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn là vừa thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, vừa thực hiện công tác dự phòng, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức về phòng bệnh. Hiện, mỗi trạm y tế được giao thực hiện hơn 20 chương trình y tế quốc gia, trong đó có nhiều chương trình quan trọng bắt buộc phải thực hiện đầy đủ, như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em... Với khối lượng công việc nhiều như vậy, các trạm y tế luôn cần có đội ngũ nhân viên YTTB tích cực, yêu nghề và gắn bó với địa bàn. Đây là lực lượng trực tiếp và gần dân nhất làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến người dân kiến thức về bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, phòng, chống HIV/AIDS; vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký khám thai, chăm sóc thai kỳ; hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; vận động, cung cấp thông tin, tư vấn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội, bệnh truyền qua thực phẩm tại thôn, bản; tham gia giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; tham gia triển khai thực hiện các phong trào vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng...
Không chỉ nhiệt tình, tích cực, yếu tố cần phải có của một nhân viên YTTB là sự am tường địa bàn, sự gắn bó với người dân trong xóm, bản, có kỹ năng truyền thông và giao tiếp tốt với người dân. Trên thực tế, việc hạn chế lây lan dịch bệnh, thay đổi hành vi của người dân trong phòng ngừa bệnh tật không đơn thuần chỉ do tác động của các can thiệp chuyên môn y tế, mà cần có tác động can thiệp vào các yếu tố khác: tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán, thói quen lối sống, điều kiện kinh tế... Những điều này, những nhân viên YTTB lại là người đóng vai trò quan trong nhất. Anh Triệu Thanh Tuấn, nhân viên YTTB xóm Keo En (xã Thanh Định) cho biết: Tôi làm nhiệm vụ của một YTTB từ năm 2001 đến nay. Hiện cả xóm có 40 hộ với 153 nhân khẩu. Do đặc thù là xóm thuần nông, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc truyền thông về công tác phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích, kế hoạch hóa gia đình... cũng phải có những cách thức, nội dung phù hợp thì mới đem lại kết quả. Để truyền thông những nội dung theo kế hoạch từng tháng, hầu hết tôi và các YTTB khác đều phải tranh thủ thời gian buổi tối đến tận các hộ vì các hộ đều lên rừng, ra đồng làm việc từ sáng sớm. Cũng có khi lại tận dụng thực hiện hiện nhiệm vụ truyền thông tại các buổi họp xóm, thời điểm có đông đủ bà con trong xóm nhất.
Bà Mai Thị Sửu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Định Hóa cho biết: Hiện, toàn huyện có 435 nhân viên YTTB tại 435 thôn, xóm bản, tổ dân phố, trong đó có trên 80% nhân viên YTTB là người dân tộc thiểu số. Để phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên YTTB, những năm qua, chúng tôi luôn quan tâm đến việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng này. Cùng với đó, chúng tôi cũng chú trọng trạng bị cho họ túi y tế, ống nghe, máy đo huyết áp... Các nhân viên YTTB đều được đào tạo tối thiểu 3 tháng trở lên, trong đó có trên 80% số người đã được đào tạo 6 tháng và 9 tháng. Hiện nay, các nhân viên YTTB đang được hưởng phụ cấp với mức 0,5% hoặc 0,3% mức lương tối thiểu tùy theo khu vực. Dù chỉ được hưởng mức phụ cấp thấp nhưng những nhân viên YTTB này lại hoạt động khá tích cực. Nhờ vậy, các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả.