Để thực hiện mục tiêu tạo việc làm cho 15.000 lao động, ngay từ đầu năm 2016, các địa phương và các đơn vị trong tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả…
Ngay từ đầu năm, công tác giải quyết việc là cho người lao động (NLĐ) của huyện Phú Bình đã được đẩy mạnh, trong đó công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp được chú trọng thực hiện. Hiện nay, ngoài Trung tâm dạy nghề, huyện Phú Bình còn liên kết và ký hợp đồng đào tạo với nhiều cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, năm nay, các cơ sở đào tạo nghề của huyện còn tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, giúp các học viên chủ động tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa. Chị Nguyễn Thị Anh Thư, ở xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, một học viên tốt nghiệp lớp nghề may năm 2016 chia sẻ: “Sau khi học nghề may tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Giờ đây, tôi cảm thấy yên tâm vì có nghề trong tay và đáp ứng được yêu cầu công việc”. Cũng như chị Thư, sau khi theo học các lớp đào tạo nghề tại địa phương của huyện Phú Bình, hàng trăm học viên của các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như cơ khí, điện dân dụng, lắp ráp điện tử… có thể tự giải quyết việc làm tại chỗ hoặc được giới thiệu, tuyển dụng các công ty, doanh nghiệp.
Đánh giá về công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, ông Trần Đức Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Bình cho biết: “Năm nay, huyện đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho hơn 3.000 NLĐ. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề của NLĐ kết hợp với rà soát, thống kê nhu cầu lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương trong xã. Trên cơ sở này, huyện xây dựng kế hoạch, mô hình dạy nghề, đồng thời tuyên truyền, vận động, giới thiệu việc làm đến NLĐ. Nhờ đó tính đến hết tháng 3-2016, huyện đã giải quyết việc làm cho gần 1.300 lao động, trong đó Công ty Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên và Công ty Canon Việt Nam đã giải quyết việc làm được hơn 1.000 lao động…”.
Còn đối với huyện Võ Nhai, để thực hiện giải quyết việc làm cho NLĐ, huyện Võ Nhai đã thực hiện hai giải pháp là hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và xuất khẩu lao động. Tính đến tháng tháng 3-2016, NHCSXH huyện Võ Nhai từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đang thực hiện quản lý cho vay hơn 6 tỷ cho gần 200 hộ dân phát triển kinh tế. Là một hộ gia đình điển hình trong sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đúng thời hạn, trước đây gia đình anh Dương Văn Tiến, ở xã Dân Tiến, sinh sống chủ yếu nhờ vào 2 sào ruộng, cuộc sống vô cùng khó khăn. Thế nhưng, từ khi được NHCSXH cho vay vốn 20 triệu đồng, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư thêm trang trại gà với gần 1.000 con, cho thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng. Cùng với giải pháp hỗ trợ vay vốn, ngay từ đầu năm, huyện Võ Nhai đã chỉ đạo các phường, xã tuyên truyền, phổ biến thông tin về thị trường lao động và chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của tỉnh, những mô hình điển hình trong xuất khẩu lao động và hướng NLĐ tìm những thị trường cao cấp được đào tạo bài bản… Từ đầu năm 2016, huyện có 15 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các nước Đài Loan và Ả rập Xê út…
Đánh giá về nhiệm vụ giải quyết việc làm cho NLĐ năm 2016, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung, rà soát tìm hiểu thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách đã ban hành nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đặc biệt là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ - TTg… Ngoài ra, để đưa thông tin doanh nghiệp, công ty đến NLĐ, Sở đã chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và mở sản giao dịch việc làm. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, Sở đã tổ chức Ngày hội việc làm Xuân Bính Thân 2016, kết quả có hơn 2.000 lao động được tuyển dụng trực tiếp và gần 500 lao động được nhận học nghề theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho NLĐ đang gặp phải khó khăn: như việc tạo việc làm cho NLĐ còn phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, trình độ tay nghề của NLĐ chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động… Vì thế, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương, Sở sẽ tăng cường làm cầu nối giữa các địa phương cần sử dụng lao động với nơi có nguồn lao động. Tăng cường đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp, đưa thông tin của thị trường lao động bằng nhiều hình thức, diễn ra với tần suất và quy mô hơn…
Hy vọng, với việc chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho NLĐ của các địa phương và các đơn vị ngay từ đầu năm, tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm năm 2016, từ đó góp phần giúp NLĐ trên địa bàn có cuộc sống ổn định, đảm bảo an sinh xã hội…