Hàng Việt trong bối cảnh hội nhập

08:22, 22/03/2016

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc củng cố, mở rộng thương hiệu “made in Vietnam” vẫn còn khá nhiều thách thức, tồn tại cần khắc phục.

Thực tế, chương trình Thương hiệu Quốc gia do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần vào công tác xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.  Qua đó, ngày càng nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn và đào tạo; góp phần tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tạo sự tin cậy và ưa thích của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam. Đặc biệt, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành, đặc biệt cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như nông sản, thực phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ...

 

Có thể thấy, sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sôi động hiện nay ngày càng khẳng định thương hiệu hàng hóa là tài sản vô hình, quý giá của mỗi doanh nghiệp cũng như của mỗi quốc gia. Thương hiệu là tài sản phi vật thể nhưng lại mang ý nghĩa vật chất thiết thực đối với một doanh nghiệp nói riêng và một quốc gia hay một nền kinh tế nói chung. Ở mỗi cấp độ, thương hiệu được đề cập với phạm vi và quy mô tác động rất khác nhau. Tuy nhiên, dù ở cấp độ nào thì thương hiệu, dù là sản phẩm hay hình ảnh về một nền sản xuất cũng được xem như một thông điệp có tính chất xuyên suốt và bao trùm, kênh giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng, có tính chất quyết định đến việc gia tăng giá trị, mở rộng thị trường cho một sản phẩm dịch vụ cụ thể.

 

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các hiệp hội, liên đoàn… mới chỉ tập trung xúc tiến thương mại mà còn bỏ ngỏ hoạt động xây dựng thương hiệu, dẫn tới nhiều công ty trong nước chưa tối đa hoá được tiềm năng trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Khoảng trống này đòi hỏi cần có một mô hình liên kết và hỗ trợ hiệu quả để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hiệu quả và bền vững giúp thương hiệu Việt Nam thiết lập và khẳng định chỗ đứng trên thương trường.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế uy tín trong nước đã cảnh báo rằng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nếu đứng một mình sẽ gặp nhiều thách thức. Kết hợp các thế mạnh khác nhau, liên kết với nhau, giúp gây dựng nền tảng xây dựng thương hiệu tập thể và hiệu quả.

 

Bản thân thị trường nội địa của nước ta đã là một lợi thế để thương hiệu Việt khẳng định mình. Với một thị trường có dân số lớn, trên 90 triệu dân và có khả năng tính tới năm 2020 sẽ vượt mốc khoảng 100 triệu. Đặc biệt, dư địa phát triển tại thị trường nông thôn (chiếm 70% tổng dân số) là ưu thế rất lớn… Bởi thế, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa lợi thể này. Những năm trở lại đây, chúng ta đẩy rất mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bước đầu có nhiều kết quả khá khả quan nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, thực tế vẫn chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá do: thu nhập người dân vẫn còn thấp; thiếu sự quan tâm của các doanh nghiệp. Bởi thế, để khai thác thị trường tiềm năng này, cần phải có sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như chính sách phát triển kinh tế nông thôn, cũng như trách nhiệm từ phía doanh nghiệp trong vấn đề tìm hiểu thị hiếu thị trường.

 

Tiếp theo là cơ hội mở rộng thị trường thế giới nhờ xóa bỏ hàng rào thuế quan theo quy định của các hiệp định thương mại như TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN… Tuy nhiên, cơ hội cũng kèm theo thách thức, đặc biệt là vấn đề xuất xứ hàng hóa hạn chế nguồn nguyên liệu đầu vào do hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc giá rẻ không sợ rào cản thuế sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn tới các DN Việt Nam. Do đó, các DN Việt Nam cần phải tích cực đầu tư vào công nghệ, hệ thống phân phối để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Muốn khẳng định và nhân rộng sức ảnh hưởng của thương hiệu Việt, các doanh nghiệp trong nước, ngoài việc trông chờ vào các cơ chế của chính phủ, thì trước tiên, cần chủ động thay đổi để thích nghi với bối cảnh hội nhập. Giá trị lớn nhất của việc hội nhập là cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng hóa sang thị trường khác tiềm năng. Chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi, đặc biệt về mặt công nghệ, tuy nhiên không thể ngay một lúc mà thay đổi dây chuyền sản xuất.

 

Thêm nữa, cần sự kết nối từ sản xuất đến phân phối, lưu thông nhằm tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín để gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt. Cùng với đó là gia tăng liên kết chuỗi để giải quyết căn cơ chất lượng, giá trị hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cũng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng gian lận, hàng giả để tạo sự cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.

 

Đẩy mạnh chắp nối cung cầu và tiếp tục hỗ trợ các chương trình kết nối đưa hàng hóa từ các vùng miền vào tiêu thụ tại các kênh phân phối nhằm tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Có như vậy, hàng Việt Nam mới tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và triển khai tốt hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như khẳng định lại giá trị thương hiệu Việt./.