Khuyến nghị chính sách về bình đẳng giới, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

17:03, 08/03/2016

Mới đây, trong Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” vừa được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố đã nhận định: Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về bình đẳng giới, trong đó khác biệt về giới trong tỷ lệ nhập học không đáng kể và khoảng cách giới về lương cũng đã thu hẹp dần theo như chuẩn mực của thế giới quy định. Để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam tiếp tục tăng cường triển khai Chiến lược chương trình, hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.  

Chính sách về giới ngày càng hoàn thiện

 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người, phụ nữ và trẻ em gái. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được coi là một trong những vấn đề trọng tâm. Từ năm 2010 đến nay đã có 40 đạo luật được lồng ghép giới. Hàng loạt các văn bản dưới luật được xây dựng xem xét đảm bảo yếu tố về giới. Những tiến bộ về cải cách luật pháp đảm bảo quyền con người của phụ nữ được quy định trong các điều Luật quan trọng. Cụ thể như: Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014, Luật Đất đai năm 2013, Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011...

 

Việc cải thiện khung thể chế và chính sách nhằm đẩy mạnh việc xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cũng được thể hiện như: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống buôn bán người giai đoạn 2011- 2015, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020...

 

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực hiện chiến lược chương trình quốc gia về bình đẳng giới từ cấp trung ương đến địa phương được đánh giá tốt. Một số chính sách về bình đẳng giới mới được ban hành như hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, sinh con đúng chính sách dân số. Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 -2020 với mục tiêu giảm khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới nói chung, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã có tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm. Về Đề án giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 -2020; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 -2025.

 

Kết quả nổi bật về bình đẳng giới

 

Theo đánh giá của Vụ Bình đẳng giới ( Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), với hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện, nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng cao, việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các cam kết quốc tế như: Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã đạt được kết quả đáng khích lệ nổi bật. Trong lĩnh vực chính trị đã có 3 thành viên của Bộ Chính trị là nữ (chiếm 15,78%); tỷ lệ nữ trong các chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 (đạt 19, 69%). Đây là nguồn cán bộ tiềm năng tham gia vào các đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, năm 2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,61 triệu người, trong đó lao động nam (chiếm 51,7%), lao động nữ (chiếm 48,3%) trong tổng số lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành quản lý doanh nghiệp đạt khoảng 24,9% (tăng 0,5% so với năm 2013).

 

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học. Về cơ bản, đã đạt được bình đẳng nam nữ trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học (giai đoạn 2007 đến năm 2011).

 

Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực. Ngoài ra cũng đã đạt được mục tiêu khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,2 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Trong lĩnh vực y tế, Liên hợp quốc ghi nhận Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần. Nạn nhân bạo lực gia đình ngày càng tiếp cận dễ hơn tới các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ. Ngoài ra, việc kiểm tra và thu hồi các sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới đã được các địa phương đẩy mạnh. Thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới ngày càng nhiều.

 

Khuyến nghị chính sách

 

Để tăng cường triển khai chiến lược chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã chỉ ra bảy ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới. Đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; Tổ chức các hoạt động hướng đến bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức; Tăng cường tham mưu thực hiện quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; Vai trò, sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

 

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư vào dịch vụ và cơ sở hạ tầng công cộng giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho phụ nữ. Các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát, thu thập và xử lý số liệu tách biệt giới tính, tuổi, dân tộc, vùng địa lý để giúp đưa ra các quyết định dựa trên thực chứng; tăng cường bộ máy, cơ chế và cương lĩnh về bình đẳng giới. Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững như tạo việc làm bền vững cho phụ nữ, giải quyết bất bình đẳng trong nghề nghiệp và khoảng cách giới trong trả lương, giảm thiểu gánh nặng việc nhà không được trả công. Các tổ chức phụ nữ cần tăng cường tiếng nói, sự tham gia, lãnh đạo trong các cơ chế và quy trình giải trình; làm tốt việc giải quyết các vấn đề liên quan tới chuẩn mực xã hội và định kiến giới cốt lõi.