Thực hiện Đề án về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm”giai đoạn 2010-2015, những năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thông tin: Hiện nay, tỷ lệ nữ chiếm ½ số lao động trong tỉnh. Tuy nhiên, số lao động nữ đã qua đào tạo còn ít, đặc biệt ở khu vực nông thôn, lực lượng lao động nữ ở độ tuổi trung niên (35-55 tuổi) chưa qua đào tạo chiếm gần 50% tổng số lao động nữ. Thực hiện Đề án về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, giao chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho Trung tâm Dạy nghề 20-10 và Hội LHPN cấp huyện thực hiện. Hội đã tiến hành lồng ghép những nội dung của Đề án gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác Hội. Thông qua khảo sát nhu cầu của hội viên, Hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu thập cho hội viện phụ nữ tại địa phương.
Được biết, trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ động đa dạng hoá các phương thức đào tạo nghề, như: Dạy nghề chính quy, dạy nghề thường xuyên, dạy nghề theo đơn đặt hàng và dạy nghề theo nhu cầu của người sử dụng lao động, liên kết dạy nghề với tìm kiếm việc làm và tiêu thụ sản phẩm… Kết quả, sau 5 năm, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 987 cuộc tư vấn nghề, tư vấn việc làm sau lao động cho trên 50.300 lượt người, đã có trên 23.600 phụ nữ tham gia học nghề. Trong đó, số lao động có việc làm sau đào tạo là 18.540 người.
Thực hiện mô hình hỗ trợ toàn diện cho học viên từ học nghề đến việc sử dụng nghề đã học để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu sản phẩm, xây dựng các gian hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm sau đào tạo cho học viên, tạo cơ hội cho học viện tiếp xúc với các nhà sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng từ đó tạo mối liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm ổn định sau đào tạo. Nói về hiệu quả của việc được đào tạo nghề theo Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm” của Hội LHPN tỉnh, chị Chị Ngô Thị Lê, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn xóm Huống Trung, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), Trưởng nhóm hội viên tham gia dự án “Xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm rau xanh trên địa bàn tỉnh” của Hội LHPN tỉnh, cho biết: Trước đây, chị em trong xóm thường trồng rau tự phát, sản phẩm làm ra được bán tại chợ với giá cả không ổn định. Tuy nhiên, sau khi được học kĩ thuật sản xuất rau an toàn, sản phẩm của chúng tôi được Hội LHPN tỉnh giới thiệu, kết nối với một số siêu thị, bếp ăn, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, thông qua đó, sản phẩm rau an toàn của tổ hợp tác đã được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng, ưa chuộng. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm chúng tôi sản xuất ra đều được các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn… thu mua với số lượng lớn.
Đối với nhóm ngành nghề thủ công nghiệp, công nghiệp, sau khi đào tạo, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng trong và ngoài tỉnh ngay từ khi bắt đầu khảo sát nhu cầu và mở lớp đào tạo. Qua khảo sát, đã có 75% học viên tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định sau khi đào tạo nghề. Cùng với đó, Hội đã quan tâm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương để tạo việc làm ổn định tại chỗ cho lao động, góp phần tăng thu nhập cho học viên sau đào tạo nghề. Trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 130 tổ hợp tác, nhóm sở thích với hơn 2.300 thành viên. Tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác “Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè an toàn tại xã La Hiên (Võ Nhai), mô hình tổ hợp tác “Chăn nuôi lợn thịt an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường sử dụng đệm lót sinh học” tại xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp tại xã Tân Kim (Phú Bình)… Chị Trần Thị Vân ở xóm Đèo Khê, xã Tân Kim, một trong những hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp chia sẻ: Sau khi được học nghề, tôi đã nắm được kỹ thuật nuôi và nhân giống chim bồ câu. Đến nay, gia đình tôi luôn duy trì ổn định khoảng 100-150 cặp bồ câu sinh sản, đem lại doanh thu bình quân trên 50 triệu đồng/năm.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm”, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, cho biết: Trong giai đoạn tiếp theo (2016 - 2020), Hội sẽ tăng cường xác định nguyên nhân và nhu cầu, nguyện vọng của hội viên gắn với việc vận động, tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp giúp chị em hiểu và tự nguyện tham gia học nghề để giúp bản thân và gia đình từng bước ổn định cuộc sống. Cùng với đó, Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết đào tạo, kết hợp nhiều mô hình đào tạo nghề phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của chị em ở từng địa phương ở từng nơi, từng vùng, từng lĩnh vục, từng đối tượng để giúp chị em phát huy được nghề đã học.