Nâng cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động

17:46, 15/03/2016

Những năm qua, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp. Cơ cấu lao động, công nghệ, kỹ năng lao động từng bước được đổi mới theo hướng công nghiệp hiện đại. Chính vì vậy, vấn đề bảo đảm môi trường lao động an toàn, ngăn ngừa và giảm nguy cơ tai nạn lao động, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp luôn là một trong những yêu cầu trọng yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là một trong những hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian qua, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Công đoàn, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18-9-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Luật ATVSLĐ năm 2015... đã được tỉnh ta triển khai thực hiện đạt kết quả khả quan. Công tác ATVSLĐ-PCCN có những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển sản xuất.

 

Với sự ra đời của nhiều ngành công nghiệp, việc tăng nhanh về số lượng và đa dạng hóa của nhiều loại hình doanh nghiệp (DN), đồng thời với việc chuyển dịch cơ cấu công - nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã thu hút và sử dụng nhiều lao động từ nông nghiệp chưa được đào tạo về ATVSLĐ chuyển sang sản xuất công nghiệp. Các DN tư nhân và các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể tiểu thủ công nghiệp phần lớn hình thành và phát triển trong thời kỳ đổi mới kinh tế, vốn đầu tư ban đầu ít, cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật, công nghệ và thiết bị lạc hậu, có nhiều nguy cơ không bảo đảm ATVSLĐ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa đủ sức thanh, kiểm tra toàn diện các vấn đề liên quan đến bảo đảm an toàn và vệ sinh cho người lao động. Vì vậy ở khu vực sản xuất này có chứa đựng nhiều yếu tố nguy hiểm, gây mất an toàn, đe doạ tính mạng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động.

 

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2015, toàn quốc để xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 7.785 người bị nạn, trong đó có  629 vụ TNLĐ chết người (làm chết 666 người), 1.704 người bị thương nặng… So với năm 2014, số vụ tại nạn và nạn nhân bị tai nạn đều giảm 10-15%, nhưng thiệt hại về tính mạng lại tăng gần 10%, nghiêm trọng hơn là tăng về số vụ có từ 2 người bị nạn trở lên gần 10%. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng tương tự, số vụ TNLĐ giảm từ 101 xuống còn 82 vụ, số người bị tai nạn giảm từ 103 xuống còn 83 người, nhưng số người lao động thiệt mạng lại tăng 4 người. Về bệnh nghề nghiệp trong những năm qua cũng có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh, mỗi năm cả nước có thêm từ 1.000 đến 1.500 người mắc mới được phát hiện.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều, song chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, ngành, của người sử dụng lao động và người lao động, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng, sử dụng điện, công nghiệp sản xuất, khai thác khoáng sản, trong vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế. Tình trạng sử dụng các loại hóa chất, sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn, trong các làng nghề chưa được huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động dẫn...

 

Thực tế này cho thấy, vấn đề phòng ngừa và kiểm soát, cải thiện chất lượng ATVSLĐ-PCCN tại các cơ sở sản xuất, bản thân người lao động vẫn còn hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Về góc độ quản lý Nhà nước, các cấp, ngành cũng đã triển khai và thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, chính sách về ATVSLĐ-PCCN, đặc biệt các cơ quan, đơn vị, DN đã thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ, huấn luyện, tập huấn về bảo đảm ATVSLĐ-PCCN cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện  các quy định, chế độ, chính sách về ATVSLĐ-PCCN còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ hệ thống quản lý, cũng như chất lượng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra điều kiện lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế.

 

Để chủ động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh cần thực hiện tốt các nội dung sau: Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo (thường trực là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Hướng dẫn các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các quy định của Bộ luật Lao động, Luật ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện đầy đủ về ATVSLĐ. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ-PCCN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ của người sử dụng lao động và người lao động.

 

Đối với người sử dụng lao động: Yêu cầu lãnh đạo các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ theo quy định; hướng dẫn cho người lao động trước khi làm việc; tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động theo quy định; chấp hành đầy đủ các quy định về kiểm định và quản lý các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho người lao động tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ-PCCN, từng bước xây dựng văn hóa về ATVSLĐ trong công nhân lao động. Người sử dụng lao động cần coi công tác ATVSLĐ-PCCN là công việc thường xuyên chứ không chỉ là công việc của Tuần lễ Quốc gia. Đặc biệt là “DN và người lao động tích cực, chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật ATVSLĐ” theo chủ đề của Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18, năm 2016.