Dù kiêm nhiệm nhiều công việc từ giảng dạy, quản lý đến công tác Đoàn, nhưng ở cương vị nào, anh Hồ Bá Dũng, giảng viên, Bí thư Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năng động, sáng tạo và say mê với hoạt động Đoàn, anh là một “thủ lĩnh” góp phần làm phong trào Đoàn trường trở nên sôi nổi, hiệu quả với nhiều thành tích nổi bật.
Cởi mở, nhiệt tình cùng nụ cười thân thiện thường trực trên môi, người thầy 36 tuổi khiến ai đối diện cũng thấy dễ gần, cảm tình ngay khi tiếp xúc. Sinh ra tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, anh có một thời gian công tác tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trước khi chuyển về Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên vào năm 2006. Suốt quá trình công tác, anh không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy mà còn năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức. Năm 2012, được sự tin tưởng, tín nhiệm từ Ban Giám hiệu, đoàn viên, sinh viên Nhà trường, anh được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp. Thời gian đầu nhận nhiệm vụ mới, anh gặp không ít khó khăn. Một mặt do cá nhân anh phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Mặt khác, các hoạt động Đoàn, Hội trong Trường khi đó còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia.
Bằng nhiệt huyết, trách nhiệm của một “thủ lĩnh” Đoàn trường, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi, từng bước khắc phục khó khăn để làm tốt vai trò là cầu nối gắn kết các hoạt động của Đoàn với sinh viên. Anh Dũng cho rằng: “Để đẩy mạnh phong trào Đoàn, trước hết cần làm tốt công tác thu hút, tập hợp sinh viên trong trường. Muốn vậy, cần phải đi sâu vào tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng sinh viên, hiểu được sinh viên muốn gì, được gì sau khi tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội. Đồng thời, các hoạt động được tổ chức cần phải thiết thực, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng sinh viên, tạo môi trường và sân chơi lành mạnh cho sinh viên rèn luyện, giúp đỡ nhau”.
Từ đó, anh cùng Ban Chấp hành Đoàn trường lên kế hoạch một cách cụ thể. Nhận thấy các đối tượng đoàn viên thanh niên, sinh viên có cùng một sở thích sẽ dễ tập hợp, giao lưu, trao đổi lẫn nhau, Đoàn trường đã tập trung xây dựng, phát triển các câu lạc bộ (CLB) có cùng sở thích. Đồng thời, người “thủ lĩnh” Đoàn trường cũng trực tiếp tham gia, chỉ đạo, định hướng cho các CLB này hoạt động một cách lành mạnh, có hiệu quả, không mang tính hình thức. Hàng tháng, các CLB phải có kế hoạch, báo cáo chi tiết về kết quả hoạt động của mình.
Thông qua việc duy trì và phát triển các CLB cùng sở thích, Đoàn Thanh niên dần xây dựng môi trường học tập cho sinh viên từ đây. Bằng những việc làm cụ thể, như: tổ chức định kỳ các chương trình giao lưu, trao đổi phương pháp học tập hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm giữa các giảng viên, sinh viên ưu tú trong và ngoài CLB… mô hình đã đem lại hiệu quả thực sự rõ nét. Anh Dũng cho biết: “Sau khi Đại học Thái Nguyên áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ dành cho sinh viên trong toàn đại học. Đoàn Thanh niên đã tham mưu với Ban Giám hiệu Nhà trường lên kế hoạch phối hợp với các thành viên trong CLB tiếng Anh, giảng viên trong trường tổ chức các lớp học phụ đạo, ôn luyện miễn phí cho sinh viên.
Trong năm 2015, toàn trường có trên 3.000 sinh viên đạt “chuẩn” và vượt “chuẩn” đầu ra tiếng Anh để xét tốt nghiệp, tỷ lệ này đứng đầu các trường trong khối Đại học Thái Nguyên. Để đạt được kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ từ CLB Tiếng Anh. Cùng với đó, CLB luôn nêu cao “tinh thần bình dân học vụ”, duy trì và mở rộng tổ chức các lớp học bồi dưỡng tiếng Anh miễn phí dành cho sinh viên có nhu cầu. Không chỉ riêng CLB tiếng Anh, mà cả 24 CLB sinh viên trong Trường, mỗi CLB đều có một cách làm hay, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực”.
Bên cạnh những hoạt động nhằm xây dựng môi trường học tập cho sinh viên, hoạt động tình nguyện được tuổi trẻ toàn trường tích cực hưởng ứng với những ý tưởng sáng tạo được khơi nguồn từ “thủ lĩnh” Đoàn trường. Đến thăm Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều hình ảnh mang dấu ấn tình nguyện của sinh viên. Công tác tình nguyện tại chỗ được tuổi trẻ Nhà trường tổ chức đều đặn, hàng ngày, hàng tuần. Cách đây khoảng 4-5 năm, Trường có đến gần 30 công vụ chuyên lao động dọn dẹp vệ sinh, cải tạo cảnh quan Nhà trường. Mỗi tháng, Nhà trường chi trả gần 80 triệu đồng tiền lương cho đội ngũ này. Từ khi các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên chung tay đảm nhiệm công việc này thì các khoản chi đó đã được cắt giảm triệt để, lượng lao động phục vụ hiện chỉ còn 10 người. Toàn bộ bãi gom rác thải rộng hơn 1.000m2 trước đây đã được đoàn viên thanh niên, sinh viên trong trường chung tay cải tạo thành vườn ươm cây cảnh, cây bóng mát, vườn hoa… từ đây đã giúp Trường tiết kiệm gần 1 tỷ đồng mỗi năm cho chi phí trồng và chăm sóc cây trong khuôn viên Nhà trường.
Đồng thời, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tổng hợp của Nhà trường, anh chỉ đạo tổ bảo vệ phối hợp chặt chẽ với đội thanh niên xung kích Ký túc xá duy trì hoạt động thường xuyên để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn về tài sản cho sinh viên cũng như phát hiện và giải quyết kịp thời các vụ việc, trường hợp cần giúp đỡ, giúp sinh viên có môi trường sống văn minh, an toàn. Các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như: Tiếp sức mùa thi, Hiến máu nhân đạo, Đền ơn đáp nghĩa… cũng được Đoàn trường tổ chức thường niên, duy trì đều đặn, mang lại nhiều dấu ấn rõ nét.
Dù bộn bề công tác giảng dạy, quản lý lẫn hoạt động Đoàn, nhưng ở lĩnh vực nào, anh Hồ Bá Dũng, Giám đốc Trung Trung tâm Dịch vụ tổng hợp, Trưởng bộ môn Giáo dục Thể chất, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cũng “cháy” hết mình với công việc. Các mô hình hay, cách làm sáng tạo được anh “thắp lửa” đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần học tập của sinh viên, tạo môi trường năng động, bổ ích, góp phần đưa phong trào Đoàn trong Nhà trường phát triển lên tầm cao mới. Khẳng định được vị trí quan trọng của tổ chức Đoàn Thanh niên tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, cũng như nhận được sự đánh giá tích cực từ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên trong toàn trường.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, cả trong chuyên môn giảng dạy, quản lý lẫn công tác Đoàn, anh đã được ghi nhận bằng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tỉnh đoàn, Đại học Thái Nguyên và Ban Giám hiệu Nhà trường.