Nhân dịp kỷ niệm 106 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2011-2015, P.V Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ngắn với một số cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng vì sự tiến bộ của phụ nữ...
Phải luôn thấu hiểu chị em
Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 188 nghìn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), trong đó tỷ lệ nữ chiếm 60%. Với cương vị là Trưởng Ban nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ), tỉnh từ tháng 4-2010 đến tháng 4-2015 là Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phụ trách Ban Nữ công, tôi luôn gương mẫu và có nhiều đóng góp cho hoạt động nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, là người làm công tác nữ công, thấu hiểu sự phấn đấu vươn lên của chị em, tôi đã cùng tập thể lãnh đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt phong trào thi đua “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” phù hợp với tình hình của từng cơ quan, đơn vị gắn với chăm lo đời sống và các chế độ chính sách liên quan đến nữ CNVCLĐ. Là thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, tôi đã tham mưu cho Ban tổ chức tốt các hoạt động vì sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ. Hằng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của LĐLĐ tỉnh liên tục được nhận Bằng khen của Ban VSTBPN tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cá nhân tôi, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, nhận nhiều Bằng khen của LĐLĐ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đa dạng hóa tổ chức các phong trào
Lương Thị Kim Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Độc Lập, T.P Thái Nguyên: Một trong những yếu tố tạo nên thành công trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ Nhà trường chính là đa dạng hóa cách thức tổ chức các phong trào. Do đặc điểm của Nhà trường là đông nữ giáo viên và học sinh: 43/47 cán bộ, giáo viên là nữ; trong tổng số trên 900 học sinh, thì tỷ lệ nữ cũng chiếm gần 60%. Để tổ chức các phong trào hiệu quả, với cương vị là người đứng đầu Nhà trường, ngay từ đầu năm học, tôi đã cùng Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động cho cả năm học. Năm nào cũng vậy, đến Quốc tế Phụ nữ (8-3) và ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10, Nhà trường đều tổ chức các hoạt động sôi nổi như: thi nấu ăn, cắm hoa, thi tìm hiểu kiến thức về nuôi dạy con, chăm sóc gia đình, gặp mặt tặng quà động viên chị em. Đối với học sinh, Nhà trường đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, lồng ghép trong các giờ giảng môn Sinh học, Giáo dục công dân để tuyên truyền đến các em về giới. Đặc biệt 3 năm học qua, vào các buổi chào chờ sáng thứ 2 hàng tuần, trung bình mỗi tháng tôi trực tiếp lựa chọn các câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục trong mục “quà tặng cuộc sống” để chuyển tải đến học sinh toàn trường. Qua đó, nâng cao ý thức đạo đức cho học sinh. Những trường hợp giáo viên ốm đau hoặc gia đình có việc hiếu hỷ, Nhà trường đều cử chị em đến động viên, giúp đỡ. Đặc biệt, tôi luôn động viên chị em hỗ trợ nhau trong chuyên môn để tự học, tự rèn nâng cao trình độ.
Chia sẻ với nhau trong công việc và cuộc sống
Nguyễn Thị Kim Luân, Đội trưởng đội Môi trường số 2, Công ty Môi trường và Công trình đô thị: Đội Môi trường số 2 có 48 công nhân thì 46 là nữ. Địa bàn làm vệ sinh môi trường đô thị của chúng tôi trải dài trên các tuyến đường trung tâm của T.P Thái Nguyên như: Nha Trang, Hùng Vương, Bến Tượng, Bến Oánh, Đội Cấn. Với đặc thù công việc khá vất vả, phải làm ca, kíp, làm đêm, ngày nắng cũng như ngày mưa đều phải làm việc, với vai trò là Đội trưởng tôi luôn đầu tàu gương mẫu để làm gương cho anh em. Đặc thù Đội chủ yếu là nữ, tôi đã phân việc cho chị em theo các nhóm. Trong cuộc sống nhiều chị em gặp khó khăn như bản thân ốm, đau, thai nghén, chồng, con mắc các bệnh hiểm nghèo… tôi vận động chị em trong đội cùng chia sẻ gánh vác công việc, giúp đỡ về mặt vật chất để các chị em vơi bớt khó khăn. Những dịp lễ, tết là lúc công việc vệ sinh vất vả nhất, tôi động viên chị em tăng ca làm, bố trí cho công nhân nghỉ bù vào thời gian thích hợp. Vì thế, các công việc do Công ty giao, Đội vệ sinh môi trường số 2 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; gia đình các chị em trong đội đều có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Cá nhân tôi hằng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục đạt gia đình văn hóa, được UBND T.P Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động T.P khen thưởng là công nhân viên chức lao động tiêu biểu.
Nâng cao nhận thức trong thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới
Đồng chí Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội: Là Phó Giám đốc Sở, theo sự phân công của đồng chí Giám đốc Sở, tôi đã chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, lãnh đạo chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức khai thực hiện tốt các lĩnh vực công tác được phân công, góp phần thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh. Tôi đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thực hiện những hoạt động trọng tâm về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, tuyên truyền về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức (truyền thông, toạ đàm, thi tìm hiểu kiến thức…), góp phần hoàn thành và hoàn thành tốt các mục tiêu: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vục chính trị; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hoá và thông tin, trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, trong đời sống gia đình, từng bước xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Chú trọng vào những việc làm cụ thể
Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ xã Tiên Hội (Đại Từ): Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, tôi đã cùng với Ban Chấp hành Công đoàn xã quan tâm chăm lo đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn là nữ. Từ đó, kịp thời tham mưu với cấp trên đảm bảo chế độ cho chị em phụ nữ theo quy định như: chế độ lương, chế độ thai sản, nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn… Với vai trò là Chủ tịch UBND xã, tôi đã phối hợp với cấp uỷ, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân và cán bộ thực hiện tốt các phong trào thi đua. Đối với các phong trào thi đua của chị em phụ nữ như: “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới”… tôi đã vận động, hướng chị em thực hiện những việc làm cụ thể như xây dựng hố rác gia đình, chia nhóm thi đua “5 không, 3 sạch”, xây dựng mô hình tổ phụ nữ tự quản về an toàn giao thông… Với những nỗ lực, cố gắng của toàn thể cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong xã, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ, năm 2015, xã Tiên Hội đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trước 5 năm so với kế hoạch.
Gắn phong trào phụ nữ với hoạt động thi đua
Trần Thị Ngân, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Mỹ Lập, xã Nam Hoà (Đồng Hỷ): Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm, hàng năm, tôi đều xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua và động viên, khuyến khích hội viên tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua. Vào dịp Quốc tế phụ nữ 8-3 hàng năm, Chị hội Phụ nữ xóm Mỹ Lập đều tổ chức cho chị em tiến hành đăng ký thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề về: cấm vận chuyển, buôn bán, sử dụng chất cháy nổ trong dịp Tết; phòng chống bạo lực gia đình; nuôi con khoẻ, dạy con ngoan… Chi hội luôn lồng ghép những phần thi nhỏ như: trả lời câu hỏi, văn nghệ, đóng kịch… để chị em thêm phần hứng thú và nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Nhờ vậy, chị em phụ nữ trong Chi hội đều nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong các hoạt động kinh tế - xã hội, từ đó, có ý thức nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt vai trò của mình.