Sụt lún, mất nước ở Trại Cau: Đề xuất phương án giải quyết kịp thời

09:23, 05/03/2016

Những ngày gần đây, nhiều hộ dân thuộc tổ 14, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) đã có đơn và trực tiếp đến UBND thị trấn phản ánh về tình trạng sụt lún, mất nước đang diễn ra tại các gia đình. Người dân cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng trên là do hoạt động khai thác mỏ của mỏ sắt Trại Cau. Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đang khẩn trương vào cuộc tìm hướng giải quyết kịp thời.

Ngay khi biết được thông tin, đồng chí Phạm Văn Sĩ, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ đã trực tiếp xuống kiểm tra tình hình sụt lún, mất nước tại tổ 14. Làm việc với lãnh đạo thị trấn Trại Cau, đồng chí Bí thư Huyện ủy yều cầu địa phương có ngay phương án bảo đảm an toàn cho người dân. Vị trí nào nguy hiểm phải có phương án cảnh báo, nếu cần thiết phải sơ tán dân đến nơi an toàn. Cần phối hợp để xác định rõ nguyên nhân, tham mưu cho huyện phương án giải quyết kịp thời. Thị trấn cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, cùng phối hợp với chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp phù hợp nhất...

Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã có mặt tại tổ 14, thị trấn Trại Cau. Gia đình đầu tiên chúng tôi đến là nhà ông Vũ Tất Minh, hộ có chuồng trại chăn nuôi quy mô 60-70 con lợn thịt/lứa và ao thả cá trước cửa nhà. Gặp chúng tôi, ông Minh không mời nước mà kéo ngay đến khu nuôi lợn và chỉ cho xem những vết nứt tường, nền chuồng còn mới nguyên. Ông còn nghiêng bàn tay thò hẳn vào trong khe nứt để chứng minh cho mọi người thấy. Dẫn chúng tôi ra sau vườn, ông Minh dỡ tung tấm vải bạt che hàng rào mới đổ và chỉ một số đoạn nứt chạy dài hàng mét trên bờ tường còn sót lại. Ông Minh cũng cho biết, mấy ngày gần đây hầm khí biogas phía sau chuồng lợn thấy bốc mùi hôi thối nên đoán là bể khí đã bị kéo nứt do hiện tượng sụt lún. Khi tới ao nuôi cá, chúng tôi thấy nước cạn gần hết, phơi lưng mấy con cá trê lai.

 

Tương tự, tường rào bao quanh nhà ông Trần Văn Hợi dài hàng chục mét cũng bị nứt phần lớn, có đoạn vừa bị đổ sập chưa kịp xây lại. Nước giếng đào, ao nuôi cá cũng có hiện tượng khô cạn. Ông Hợi phản ánh: Gia đình chúng tôi vẫn sử dụng nước giếng đào để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, giờ khô cạn không biết phải lấy nước từ đâu. Nếu sử dụng nước máy của Nhà máy nước Trại Cau thì rất tốn kém, nhất là dùng vào mục đích tưới tắm, chăn nuôi.

 

Còn gia đình ông Vũ Văn Thắng sở hữu trang trại lên tới 4.000 con gà thì khá gay gắt khi nguồn nước cung cấp cho chăn nuôi đang dần cạn kiệt. Ông này cho rằng, nếu sử dụng nước sạch cho chăn nuôi thì mỗi ngày cũng tốn tới 5-7m3, và như thế chăn nuôi sẽ không còn lãi. Trong khi đó, nhiều khả năng nguy cơ sụt lún sẽ khiến Nhà máy nước sạch sẽ hạn chế khả năng cấp nước thời gian tới.

 

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi bộ tổ 14, ông Đặng Quốc Tuấn (cũng trong diện bị ảnh hưởng) cho biết, có 32 hộ dân trong tổ chịu ảnh hưởng, trong đó 100% số hộ ảnh hưởng đến nước sinh hoạt (cả giếng khoan, giếng đào đều có hiện tượng cạn nước - PV), 10 hộ bị nứt, lún tường rào, công trình. Từ năm 2014 đã có hiện tượng tương tự diễn ra ở tổ, nhưng mức độ nhẹ hơn hiện tại nhiều. Ông Tuấn cho rằng, việc khai thác quặng sắt ở mỏ Tầng sâu Núi Quặng (sát cạnh tổ 14) của Mỏ sắt Trại Cau là nguyên nhân gây ra sụt lún, mất nước. Những năm trước, việc khai thác quặng sắt tại mỏ sắt Thác Lạc cũng từng gây hiện tượng sụt lún, mất nước tương tự.

 

Theo phản ánh của ông Hoàng Văn Tuệ, Giám đốc Xí nghiệp nước sạch Trại Cau thì hiện tượng mất nước đã ảnh hưởng đến công suất khai thác và khả năng cung cấp nước sạch của đơn vị. Xí nghiệp có 2 giếng khoan (độ sâu 50m) với công suất khai thác 1.000m3/ngày, đêm, nhưng hiện chỉ hoạt động 1 giếng với công suất đạt 250m3/ngày đêm. Ông Tuệ cho rằng, cần có phương án kịp thời mới có thể đảm bảo nguồn nước ngầm để bơm phục vụ người dân vì hiện Xí nghiệp đang cung cấp cho gần 80% dân số thị trấn.

 

Trước vấn đề trên, nhiều phương án giải quyết đã được đề xuất, trong đó có cả biên pháp tức thời và dài hạn. Ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau cho rằng, mặc dù chưa có kết quả xác định nguyên nhân hiện tượng sụt lún, mất nước là do khai thác mỏ Tầng sâu Núi Quặng, nhưng đơn vị cũng đang tham mưu cho cấp trên các phương án phối hợp xử lý. Theo ông Niên thì trong Dự án khai thác mỏ Tầng sâu Núi Quặng có một hạng mục thi công là khoan đường ống cấp nước sạch. Hiện hạng mục này đang trong giai đoạn mời thầu thi công, phấn đấu xong trong năm 2016. Hạng mục này hoàn thành sẽ giúp Xí nghiệp nước sạch Trại Cau đảm bảo đủ nguồn nước hoạt động theo thiết kế. Về những thiệt hại của người dân, theo ông Niên, chính quyền địa phương cần vận dụng linh hoạt chính sách để có thể sử dụng từ nguồn phí môi trường hàng năm cho việc hỗ trợ, bởi trong đó Mỏ sắt Trại Cau cũng đóng góp phí môi trường cả chục tỉ đồng mỗi năm. Ông Niên cho rằng, trước sự việc trên Mỏ cũng rất lo lắng và thật sự không yên tâm sản xuất. Do đó, Mỏ đang đề nghị tỉnh, huyện và các ngành liên quan nhanh chóng xem xét để có giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo đời sống cho người dân vùng ảnh hưởng.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho rằng: Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, huyện đang làm việc với Công ty CP nước sạch Thái Nguyên đầu tư đường ống dẫn đến các hộ dân. Huyện cũng đang tìm phương án cấp nước sản xuất tạm thời cho bà con, trong đó có thể tính đến phương án bơm nước tưới từ lòng moong của Mỏ lên cấp cho cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần phương án xây dựng khu tái định cư để di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng. Để thực hiện điều đó, rất cần sự vào cuộc không chỉ của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, chính quyền địa phương mà cả các ban, ngành liên quan cùng sự đồng thuận của người dân.

 


Ông Vũ Tất Minh, người dân tổ 14: Hiện tượng nứt, lún và cạn nước diễn ra ở tổ 14 từ cuối năm 2014, nhưng đến nay mới rõ ràng hơn. Chúng tôi mong sớm có phương án hỗ trợ để người dân ổn định đời sống.

 

 

 

 

 

 Ông Đặng Quốc Tuấn, Bí thư chi bộ tổ 14: Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ nguyên nhân để kịp thời có phương án hỗ trợ những thiệt hại cho bà con. Cần thiết có ngay phương án xử lý mất nước và cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Về lâu dài, cần nghiên cứu di chuyển người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng.