Tăng giá dịch vụ y tế: Giá trị của thẻ BHYT được thể hiện rõ

15:55, 08/03/2016

Hơn một tuần qua, trên 1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá theo quy định tại Thông tư 37/TT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính. Cùng với cả nước, lộ trình tăng viện phí theo Thông tư này đã được áp dụng đối với tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã cảm nhận rõ hơn giá trị của tấm thẻ qua mỗi lần khám, chữa bệnh. Người bệnh được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, không phân biệt vùng, miền bởi giá dịch vụ y tế có cùng mức tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh cùng hạng, cùng trình độ, cơ sở vật chất... trên toàn quốc.

BHYT thực hiện thanh toán cho bệnh viện thông qua số lượt khám, chữa bệnh của bệnh nhân có thẻ BHYT. Với người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, thân nhân liệt sĩ, người thuộc hộ cận nghèo... không bị ảnh hưởng nhiều do BHYT đã chi trả toàn bộ hoặc phần lớn chi phí khám, chữa bệnh.

 

Theo phân tích, đánh giá của các nhà nghiên cứu chuyên môn thì với việc tăng giá dịch vụ y tế như trên, người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, những người đã tham gia BHYT sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí trong quá trình điều trị. Người bệnh sẽ là người có lợi, hoàn toàn chủ động khi thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại.

 

Tuy nhiên, với lộ trình đổi mới này, các bệnh viện sẽ phải chịu áp lực hết sức lớn. Nếu phục vụ tốt, chuyên môn giỏi, quản lý hiệu quả, thì bệnh viện sẽ có đông người bệnh đến khám chữa bệnh, có nguồn thu để phát triển. Nếu phục vụ không tốt, chuyên môn không giỏi, bệnh viện sẽ không được bệnh nhân lựa chọn là điểm đến để khám, chữa bệnh. Điều đó bắt buộc các bệnh viện phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; các y bác sỹ phải nâng cao chuyên môn, thay đổi phong cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu người bệnh, bởi người bệnh sẽ chính là người trả lương cho các y bác sĩ điều trị. Đây cũng là chủ trương chung để nâng cao sức cạnh tranh của các bệnh viện trong quá trình hội nhập, phát triển.

 

Tăng giá dịch vụ y tế hay không thì việc tăng chất lượng khám, chữa bệnh vẫn là mục tiêu sống còn của các bệnh viện. Dù tăng giá hay không thì xu hướng bệnh viện phải nâng cao kỹ thuật chuyên sâu, sạch đẹp hơn, tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn vẫn là chủ đạo. Chất lượng dịch vụ y tế không thể tăng ngay một sớm một chiều mà đòi hỏi cần phải có thời gian cũng như khả năng chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ y, bác sỹ của mỗi bệnh viện. Dịch vụ y tế tăng giá lần này đều là các dịch vụ được Quỹ BHYT thanh toán, cho nên số dân chưa tham gia BHYT sẽ là những người bị ảnh hưởng khi ốm đau, bệnh tật xảy ra. Đối với người dân chưa tham gia BHYT, mặc dù từ ngày 1-3 chưa bị áp dụng giá mới nhưng họ lại đối mặt với một mức giá cao hơn giá mới khi cơ quan chức năng dự kiến trong năm nay sẽ áp dụng mức giá tính đúng, tính đủ đối với người không có thẻ BHYT.

 

Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt ở mức trên 93%. Với việc tăng giá các dịch vụ y tế, người dân chưa có thẻ BHYT nên tìm hiểu thêm về lợi ích của BHYT để tham gia, giảm bớt gánh nặng tài chính cho chính bản thân và gia đình khi phải đến các bệnh viện khám, chữa bệnh. Để tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được ổn định và nâng dần lên, các cấp các ngành cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ hoặc kêu gọi sự đóng góp của xã hội để giúp cho những người dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế có điều kiện tham gia BHYT, giúp họ không bị rơi vào vòng xoáy nghèo đói - bệnh tật. Cùng với đó, để chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng mong muốn của người dân, ngành BHXH cũng cần nâng cao năng lực giám sát, giám định việc sử dụng các dịch vụ y tế, tránh việc lạm dụng, gây thất thoát Quỹ BHYT.

 

Từ ngày 1-3-2016, hơn 1.800 dịch vụ y tế được Quỹ BHYT thanh toán đồng loạt tăng 30%; từ ngày 1-7-2016, giá sẽ tăng khoảng 50%. Các khoản Nhà nước bao cấp cho bệnh viện (như tiền lương, khấu hao tài sản, trang thiết bị...) sẽ bị cắt; giá dịch vụ y tế được đưa về đúng giá trị thật, giải quyết hài hòa quyền lợi các bên: cơ sở cung cấp dịch vụ y tế có nguồn lực để bảo đảm chất lượng dịch vụ và tái đầu tư phát triển; người bệnh được nhận chất lượng điều trị và chất lượng phục vụ tương xứng với chi phí bỏ ra; Nhà nước giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong công tác khám, chữa bệnh, ưu tiên ngân sách để mua, hỗ trợ BHYT cho người tham gia BHYT.